Gần 100 doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam đã từng bước loại bỏ xe xăng để thay thế bằng xe điện, trong đó 19 đơn vị đã chuyển đổi toàn bộ đội xe. Đây không còn là một xu hướng ngắn hạn, mà là bước chuyển chiến lược giữa bối cảnh chi phí leo thang, quy định về môi trường ngày càng nghiêm ngặt và hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.
Chuyển đổi xanh: Từ xu thế tới chiến lược sinh tồn
Các doanh nghiệp vận tải truyền thống hiện đang phải đối mặt với ba sức ép lớn: chi phí nhiên liệu, chi phí bảo trì và chính sách môi trường. Nhiên liệu hiện đang chiếm tới 30-50% tổng chi phí vận hành, trong khi giá xăng dầu liên tục biến động. Xe xăng cũng đòi hỏi chi phí bảo trì cao, do cấu tạo phức tạp với hàng trăm chi tiết dễ hao mòn. Cùng lúc, quy định về khí thải, kiểm định, hạn chế xe cũ vào đô thị… đang được thực thi nghiêm ngặt từ 2024.
Trong bối cảnh đó, xe điện không chỉ là lựa chọn thay thế, mà trở thành giải pháp sống còn khi giúp doanh nghiệp giảm tới 75% chi phí nhiên liệu, gần như không cần bảo trì phức tạp, vận hành êm ái, không phát thải. Ngoài ra, xe điện còn giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, cải thiện trải nghiệm người dùng và kiểm soát hiệu quả vận hành bằng dữ liệu thời gian thực.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Linh, chủ một hãng xe taxi tại Hà Nội, xe điện hiện không còn là câu chuyện của tương lai, mà đã là yêu cầu cấp bách để phát triển. “Khi cân đối giữa các yếu tố chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng và mức độ hài lòng của khách hàng, tôi biết đây chính là thời điểm cần chuyển đổi sang xe điện cấp tốc. Đợi chính sách tới mới thay đổi là quá muộn”, ông Linh cho hay.

Trước những sức ép về chi phí, bảo trì và chính sách môi trường, xe điện đang trở thành hướng đi tất yếu của nhiều doanh nghiệp vận tải
Ở góc độ chiến lược thương hiệu, chuyên gia marketing Nguyễn Hải Quân nhận định, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đơn vị vận tải nói riêng sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, thậm chí “văng” khỏi cuộc chơi nếu không chuyển đổi xanh, bởi đây là nhu cầu thực từ chính khách hàng.
“Trách nhiệm với môi trường và xã hội của doanh nghiệp hiện đã trở thành một trong những tiêu chí lựa chọn dịch vụ của người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào chậm đổi mới theo xu hướng chung sẽ tự đào thải chính mình”, ông khẳng định.
Xanh SM – “người mở đường” cho hành trình chuyển đổi xanh ngành vận tải
Là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình vận tải phức hợp thuần điện tại Việt Nam, Xanh SM – thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, không chỉ cung cấp phương tiện xanh mà còn kiến tạo một hệ sinh thái toàn diện cho giao thông điện tại Việt Nam. Từ đội xe vận hành trực tiếp, nền tảng Xanh SM Platform cho chủ xe VinFast tham gia dịch vụ, đến mô hình Xanh SM Partner hỗ trợ các hãng taxi truyền thống chuyển đổi, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung: phát triển ngành vận tải theo hướng xanh – thông minh – bền vững.
Tính đến tháng 6/2025, Xanh SM đã đồng hành cùng gần 100 doanh nghiệp vận tải trên toàn quốc với hàng loạt những cái tên như G7 Taxi, Mai Linh, Lado, Én Vàng… Trong đó, 19 đơn vị đã tái cấu trúc hoàn toàn mô hình kinh doanh, chuyển dịch sang vận hành bằng công nghệ và xe điện 100%.
Đặc biệt, đáng chú ý mới đây phải kể tới thỏa thuận chiến lược được ký ngày 21/6/2025 giữa Xanh SM, Công ty Cổ phần Đầu tư CK Việt Nam và V-Green giúp mở rộng mô hình giao thông thuần điện tại Nghệ An. Dự án triển khai 300 xe buýt điện VinFast, 1.000 ô tô điện thương mại và 1.000 trụ sạc trên toàn tỉnh, xây dựng một mô hình giao thông xanh hiện đại và đồng bộ từ vận tải công cộng đến dịch vụ giao hàng.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc GSM Toàn cầu và ông Nguyễn Văn Kết – Chủ tịch HĐQT CK Việt Nam tại lễ ký kết hợp tác mở rộng mô hình giao thông thuần điện tại tỉnh Nghệ An
Trước sự hợp tác này, cộng đồng tiểu thương, tài xế… tại Nghệ An tỏ ra vô cùng hào hứng. Bà Nguyễn Thị Hòa, buôn bán thực phẩm tại chợ Vinh chia sẻ sự vui mừng trước thông tin sắp có xe buýt điện chạy tuyến Nghệ An – Hà Tĩnh. “Không khí giờ ô nhiễm lắm, xe mà sạch hơn, yên tĩnh hơn thì ai cũng muốn đi. Hy vọng xe sớm chạy để chúng tôi có thêm lựa chọn khi đi lại”, bà nói.
Trong khi đó, anh Lê Văn Tùng, một tài xế taxi tại Vinh cho hay, hiện đang có rất nhiều cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải chủ động chuyển đổi sang xe điện, nhờ các ưu điểm như tiết kiệm chi phí, vận hành êm ái, không mùi xăng dầu, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Xanh SM cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp đối tác và cá nhân tài xế, giúp cho việc chuyển đổi xanh trở nên thuận lợi hơn.
Theo báo cáo quý I/2025 của Mordor Intelligence, Xanh SM hiện dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam với 39,85% thị phần, chỉ sau hai năm ra mắt. Vượt lên trên những con số ấy là sự đổi mới trong bộ mặt giao thông của nhiều địa phương cũng như sự thay đổi về nhận thức, thói quen di chuyển của người dùng Việt, theo hướng bền vững hơn.