Hội Gióng: Hành trình khám phá cội nguồn anh hùng dân tộc

Hội Gióng là lễ hội truyền thống ý nghĩa được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ và ca ngợi chiến công hiển hách của Thánh Gióng – một trong Tứ bất tử của Việt Nam. Dù được tổ chức ở nhiều nơi nhưng lễ hội Gióng Phù Đổng vẫn được xem là độc đáo và quy mô nhất, bởi đây chính là quê hương của vị Thánh huyền thoại. 

Lễ hội Gióng Phù Đổng – lễ hội truyền thống ý nghĩa của dân tộc

Câu ca dao “Ai ơi mùng chín tháng tư/ Không đi Hội Gióng cũng hư một đời” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, khẳng định vị thế của hội Gióng – một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ sông Hồng. 

Hội Gióng ở đâu và diễn ra ngày bao nhiêu?

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng là một hội trận được vua Lý Công Uẩn khởi tạo từ thời Lý. Thời gian tổ chức diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

Vị trí của đền Phù Đổng
Vị trí của đền Phù Đổng (Ảnh: Google Maps)

Anh hùng Phù Đổng Thiên Vương – Thánh Gióng

Câu chuyện về Thánh Gióng, hay còn gọi là Phù Đổng Thiên Vương đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, được truyền miệng từ đời này sang đời khác.

Thánh Gióng là một nhân vật huyền sử thời Hùng Vương thứ sáu dựng nước Văn Lang, lấy hiệu là Phù Đổng Thiên Vương. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó tại làng Gióng (làng Phù Đổng), huyện Gia Lâm.

Lúc lọt lòng, cậu bé Gióng chẳng bao giờ khóc quấy, cũng chẳng biết nói biết cười. Ba năm trời trôi qua, Gióng vẫn như một pho tượng. Nhưng khi nghe lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài ra giúp nước đánh giặc Ân, cậu bé Gióng bỗng vươn vai đứng dậy, nuốt gọn “bảy nong cơm, ba nong cà. Uống một hớp nước, cạn đà khúc sông“.

Sau đó, Gióng từ biệt mẹ, nhảy lên lưng con ngựa sắt oai phong lẫm liệt. Cậu nhổ từng bụi tre ven đường, biến chúng thành gậy thần kì rồi xông thẳng ra trận, đánh tan quân thù. 

Dù đất nước đã yên bình nhưng anh hùng Gióng không trở về làng mà cưỡi ngựa sắt đến núi Vệ Linh, ngắm nhìn lần cuối để từ biệt quê hương trước khi vụt bay lên trời. Chính những chiến công cao cả ấy, ông được tôn vinh là Phù Đổng Thiên Vương.

Để tưởng nhớ công ơn của Gióng, Vua Hùng cho lập đền thờ ngay tại quê hương của Gióng. Hàng nghìn năm trôi qua, hình tượng Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng bất diệt cho sức mạnh và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Đền Phù Đổng là nơi tổ chức lễ hội Gióng
Đền Phù Đổng là nơi tổ chức lễ hội Gióng (Ảnh: Tuoitrethudo.vn)

Ý nghĩa của lễ hội Gióng

Cùng với hội Gióng đền Sóc, hội Gióng đền Phù Đổng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11/2010. Lễ hội đã khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới nhờ vào những giá trị văn hóa độc đáo được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ.

Dù diễn ra tại một đô thị có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như Hà Nội, hội Gióng vẫn giữ được bản sắc riêng, không bị tác động bởi xu hướng thương mại hóa. Điều này đã giúp hội Gióng trở thành một hiện tượng văn hóa độc đáo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Sức hút của hội Gióng đền Phù Đổng còn nằm ở giá trị giáo dục sâu sắc. Qua lễ hội, người dân không chỉ tưởng nhớ đến công ơn của Thánh Gióng – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam mà còn được giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc.

Lịch sử và giá trị của lễ hội Gióng Phù Đổng

Cho đến ngày nay, lễ hội Gióng Phù Đổng vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc.

Lịch sử của lễ hội Gióng

Lễ hội Gióng bắt đầu được tổ chức từ khoảng thế kỷ XI và đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ nhà Lý (1009 – 1225). Dưới triều đại này, với lòng tôn sùng đối với các vị thần và anh hùng dân tộc, vua Lý Công Uẩn đã cho xây dựng đền thờ Phù Đổng Thiên Vương và tổ chức lại lễ hội Gióng Phù Đổng với quy mô lớn.

Hội trận như một thước phim sống động, mô phỏng lại toàn bộ quá trình chiến đấu chống giặc Ân, từ khâu chuẩn bị vũ khí, lương thực cho đến những trận đánh ác liệt và cuối cùng là chiến thắng vẻ vang, qua đó truyền cảm hứng yêu nước cho mọi thế hệ.

Tới thời Lê (thế kỷ XV – XVI), hội Gióng đền Phù Đổng tiếp tục được triều đình quan tâm và cử quan lại về chủ tế. Ở các triều đại sau, lễ hội ngày càng được mở rộng quy mô và nâng cao vị thế trong đời sống văn hóa người Việt.

Nhờ sự đóng góp tích cực của cộng đồng, đặc biệt là người dân các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên, hội Gióng đã được lưu giữ, bảo tồn và phát triển qua hàng nghìn năm, trở thành một lễ hội nổi tiếng của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Lễ hội Gióng Phù Đổng có từ thời Lý
Lễ hội Gióng Phù Đổng có từ thời Lý (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Giá trị văn hóa độc đáo của Hội Gióng

Là một di sản văn hóa quan trọng của nhân loại, hội Gióng mang trong mình những giá trị độc đáo cần được gìn giữ và phát huy.

Một khúc tráng ca về chiến thắng

Hội Gióng đền Phù Đổng tái hiện một cách sinh động và hùng tráng cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta thời xưa. Qua hình ảnh Thánh Gióng oai phong lẫm liệt cùng với sự tham gia của đông đảo nhân dân, lễ hội đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí chống giặc ngoại xâm của mỗi người dân Việt Nam.

Hội tụ nhiều lớp văn hóa

Hội Gióng là sự kết tinh của nhiều lớp văn hóa dân gian, từ tín ngưỡng thờ thần, lễ nghi truyền thống đến các hình thức nghệ thuật dân gian như múa hát, diễn xướng. Đây là một lễ hội lâu đời, không chỉ thể hiện sự kết nối giữa con người với thần linh, mà còn làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.

Diễn xướng độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc

Một trong những điểm đặc biệt của lễ hội Gióng là các hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Các tiết mục múa hát ải lao, múa hồ, đặc biệt là diễn xướng ba trận đánh giặc Ân bằng ngôn ngữ biểu tượng đã tạo nên một không gian nghệ thuật đặc sắc, thể hiện sự đấu tranh quyết liệt và chiến thắng vĩ đại của Gióng và nhân dân.

Tính nhân dân rộng lớn

Hội Gióng đền Phù Đổng không chỉ là lễ hội của một làng, một vùng mà là lễ hội của cả cộng đồng. Hàng nghìn người dân tham gia với các vai trò khác nhau, tạo nên một không khí tưng bừng, náo nhiệt. 

Kho tàng quý báu của văn hóa Việt Nam

Lễ hội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của quốc gia, đồng thời là di sản mà mỗi người Việt Nam cần phải gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau. 

Hội Gióng Phù Đổng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Hội Gióng Phù Đổng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Ảnh: Tcdulichtphcm.vn)

Các hoạt động đặc sắc tại hội Gióng

Đến nay, hội Gióng Phù Đổng vẫn diễn ra một cách tự nhiên, không bị sân khấu hóa, kịch bản hóa, giữ trọn vẹn những giá trị truyền thống. Hệ thống di sản vật thể gắn với hội Gióng bao gồm 10 điểm chính: đền Thượng, đền Hạ (đền Mẫu), chùa Kiến Sơ, đình Hạ Mã, chùa Hương Hải, bàn Đánh cờ Soi Bia, Giá Ngự, miếu Ban, Cổ Viên, Đổng Đàm. 

3 giai đoạn của lễ hội Gióng Phù Đổng

Giai đoạn một là từ sau Tết Nguyên Đán. Không khí chuẩn bị cho lễ hội đã ngập tràn khắp các ngõ ngách của làng. Giữa tháng 2 âm lịch, các cụ cao niên trong làng họp bàn và phân công công việc cho từng gia đình, từng dòng họ.

Hội Gióng Phù Đổng nổi tiếng với dàn vai diễn độc đáo và ý nghĩa. Đầu tiên phải kể đến các ông Hiệu tượng trưng cho Thánh Gióng, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Tiểu cổ. 

Hệ thống tướng lĩnh tiêu biểu của ông Gióng bao gồm:

  • Phù giá: Là đội quân tinh nhuệ của Thánh Gióng, gồm 120 người, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước.
  • Các cô Tướng: Đại diện cho quân giặc xâm lược, gồm 28 người. Hai cô Tướng chính là Tướng Đốc và Tướng Ngựa đến từ xóm Miếu Ban – địa điểm có di tích liềm và nôi đá sinh Thánh Gióng.
  • Phường Ải Lao, Làng áo đỏ, Làng áo đen: Đây là những đội quân khác nhau, mỗi đội có vai trò riêng. Ví dụ, phường Ải Lao có hình ảnh ông Hổ dũng mãnh, Làng áo đỏ là đội trinh sát nhỏ tuổi, còn Làng áo đen là đội dân binh.
Các thanh niên trai tráng quy tụ tại hội Gióng đền Phù Đổng
Các thanh niên trai tráng quy tụ tại hội Gióng đền Phù Đổng (Ảnh: Tuoitrethudo.vn)

Giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 15/3 âm lịch, đánh dấu thời kỳ tập luyện nghiêm túc cho lễ hội. Các ông Hiệu sẽ tách biệt hoàn toàn với cuộc sống thường ngày, tuân thủ chế độ ăn chay và tập luyện các nghi thức như đánh cờ, múa quạt, đánh trống, chiêng.

Các cô Tướng tập lễ, phường Ải Lao tập hát, ông Hổ tập múa… để chuẩn bị cho những màn trình diễn ấn tượng. Đến ngày 25/3, các cụ cùng nhau tẩy điện ở Đền, lau chùi đồ thờ tự. 

Đêm 1/4, một nghi lễ hết sức linh thiêng được diễn ra khi các ông Hiệu đến Đền nhận chân hương về thờ Thánh tại gia, thể hiện sự thành kính và gắn bó sâu sắc với truyền thống.

Giai đoạn ba là giai đoạn tiến hành hội Gióng. Vào ngày 6/4 âm lịch, đội Phù giá tập trung tại sân đình để luyện tập. Đến buổi chiều, các ông Hiệu tề tựu tại ngoại đàn trước sân đền Thượng. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên dồn dập, báo hiệu buổi lễ sắp bắt đầu. Ông Hiệu sẽ thực hiện nghi thức đánh cờ: ba ván thuận, ba ván nghịch.

Các hoạt động tại hội Gióng Phù Đổng

Sáng ngày 7/4 âm lịch, đoàn Ải Lao tiến hành nghi thức tế lễ Thánh. Đến buổi chiều, lễ hội thực sự bước vào cao trào với nghi thức “đi đưa về đón” của dàn Phù giá. 

Với vai trò chỉ huy, các ông Hiệu sẽ xuất hiện trên ngoại đàn. Tiếp đó, đoàn hội bắt đầu hành trình khám đường gần 7km theo lộ trình: đền Thượng – miếu Ban – đền Mẫu – bãi cờ Đổng Viên – đền Thượng.

Đi đầu là phường Áo Đỏ, gồm 50 em đóng vai mục đồng. Các em mặc áo dài đỏ, quần vàng, đội nón sơn đỏ và cầm roi rồng, tạo nên một hình ảnh tươi trẻ và náo nhiệt. Hai ông Hiệu Tiểu Cổ đội mũ võ và cầm trống khẩu, đi ngay sau để chỉ huy đội hình.

Tiếp theo là phường Áo Đen, gồm 50 trai tráng khỏe mạnh trong làng. Họ mặc áo dài đen, quần trắng, đội nón và vác cờ ngũ hành. Ngay sau là phường Ải Lao với 30 thành viên là đội quân tổng hợp. Trong đội hình này, có cả ông hổ vừa đi vừa múa.

Ông Hiệu Trống và ông Hiệu Chiêng, hai vị tướng lần lượt chỉ huy cánh tả và cánh hữu xuất hiện tiếp theo. Họ mặc áo dài đỏ, thắt đai lưng, đội mũ võ, cùng với các gia nhân khiêng trống, che lộng, cầm cán cờ và tay thước (khoảng 30 người). Ông Hiệu Trống cầm dùi trống, ông Hiệu Chiêng cầm trống khẩu kèm theo 8 bát tiên. 

Hàng ngũ cuối cùng là vị trí của ông Hiệu Cờ, vị tướng tượng trưng cho Thánh Gióng oai linh. Ông khoác lên mình bộ áo dài đỏ, thắt lưng chắc chắn, đầu đội mũ võ. Tay cầm lá cờ lệnh dài 2,5m, rộng 41cm, được làm bằng lụa đỏ thắm, in nổi dòng chữ lệnh uy nghiêm.

Khánh đường không ngừng quan sát, thăm dò tình hình trận địa, sẵn sàng bổ sung lực lượng và khắc phục mọi thiếu sót để đảm bảo cuộc diễn hành diễn ra thành công tốt đẹp.

Đoàn rước khám đường gần 7km
Đoàn rước khám đường gần 7km (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Buổi sáng ngày 8/4 âm lịch, lễ hội Gióng Phù Đổng chính thức khai mạc trước sân đền Thượng. Các cô Tướng nhanh chóng dàn trận trên đê, sẵn sàng cho những màn biểu diễn võ thuật đặc sắc. Trong khi đó, các cụ ban Khánh tiết tiến hành duyệt binh, kén tướng và gửi lời chúc mừng đến các nhà tướng tham gia lễ hội.

Vào buổi chiều, lễ hội tiến hành rước nước từ đền Thượng xuống đền Mẫu. Cùng với đoàn rước, các ông Phù giá khiêng hai chum nước lấy từ đền Hạ về đền Thượng để thờ và rửa vũ khí. 

Ngày 9/4 âm lịch, buổi sáng, sân khấu ngẫu hứng trước cửa đền Thượng rộn rã tiếng hát tuồng. Đến giờ trưa nắng, các cô Tướng lại tụ tập tại bãi cờ Đống Đàm, dàn trận hình rắn bay vô cùng ấn tượng.

Trong khi đó, các ông Hiệu ngoại đàn tại đền Thượng, đoàn rước hội tưng bừng kéo xuống bãi cờ Đống Đàm. Đặc biệt, lần này có sự xuất hiện của đội Phù giá quân chính quy của ông Gióng. Họ đóng khố, cởi trần, khí thế hào hùng khi vác siêu đao, bát bửu, kéo ngựa (xe long mã) sẵn sàng ra trận. 

Đến bãi cờ Đống Đàm, các ông Hiệu lập doanh trại nghỉ ngơi và đàm đạo với quân địch. Khi cuộc đàm phán bất thành, ông Tiên Nghiêm ra lệnh tấn công. Các nữ tướng cũng giương cao lá cờ, đánh trống báo hiệu sẵn sàng giao chiến. 

Trận chiến đầu tiên diễn ra chỉ mang tính thăm dò đối phương, được mô phỏng bằng ba chiếc chiếu cói trải trên thảm cỏ xanh. Trên mỗi chiếu có một chiếc bát úp lên tờ giấy trắng tượng trưng cho núi non trùng điệp ẩn hiện trong mây.

Khi lệnh xuất quân được ban ra, vị thần linh tung cờ hiệu lên cao. Ngay lập tức, hàng trăm con bướm và làn khói trầm hương tỏa ra, tạo nên một hiệu ứng thị giác ngoạn mục, mô phỏng tiếng sấm chớp nhằm đánh lạc hướng quân địch. 

Các vị thần tướng lần lượt thực hiện ba ván cờ trên ba chiếc chiếu theo hiệu lệnh. Khi ván cờ thứ ba kết thúc, người dân phấn khởi xông vào giành lấy chiếc chiếu thứ ba như một chiến lợi phẩm nhằm lấy khước, lấy may.

Các gia nhân phục vụ cô Tướng
Các gia nhân phục vụ cô Tướng (Ảnh: Vovgiaothong.vn)

Vừa lúc đang tổ chức lễ khao quân tại Đền Thượng, tin báo giặc đến đã khiến toàn bộ đoàn hội nhanh chóng thu quân và di chuyển xuống Soi Bia để chuẩn bị cho trận đánh thứ hai. 

Xe long mã được đưa đến để vua quan theo dõi trận chiến sắp diễn. Hàng vạn người dân đã tập trung tại đây để chứng kiến sự kiện trọng đại này. Khi giờ thần đã điểm, ông Tiên Nghiêm ra hiệu bắt đầu. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rền rĩ, báo hiệu trận chiến sắp khai mở. 

Ba hồi trống thúc giục, ba lá cờ được tung lên cao rồi hạ xuống nhanh chóng trên ba chiếc chiếu. Vừa kết thúc hồi trống thứ ba, đám đông dân chúng đã ùa vào tranh giành chiếc chiếu thứ ba, tạo nên một khung cảnh náo nhiệt chưa từng thấy. Trước sức mạnh quân ta, các tướng giặc đành bất lực giơ cờ trắng đầu hàng.

Các tướng giặc khác được thả về, riêng hai tướng chủ soái là Đốc và Ngựa bị bắt giữ, đưa về đền Thượng. Tại đây, chúng bị lột bỏ áo mũ rồi mới được thả. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngoại giao, các ông Hiệu đã đem cất giữ vũ khí vào đền, thực hiện nghi lễ tế Thánh và rút lui. Như vậy là lễ hội đã kết thúc.

Tìm hiểu về các lễ hội Gióng khác tại Hà Nội

Hội Gióng diễn ra ở những địa điểm nào là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi đến thăm đền Phù Đổng. Hiện nay, có hai hội Gióng ở Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: hội Gióng Phù Đổng và hội Gióng Sóc Sơn. 

Bên cạnh đó, hơn 10 hội Gióng khác cũng được tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội gồm: 

  • Huyện Thường Tín: Hội Gióng Bộ Đầu xã Thống Nhất.
  • Huyện Gia Lâm: Làng Đổng Xuyên, làng Chi Nam.
  • Huyện Sóc Sơn: 3 làng Phù Lỗ Đoài, Thanh Nhàn, Xuân Lai.
  • Huyện Đông Anh: 3 làng Sơn Du, Cán Khê, Đống Đồ.
  • Quận Bắc Từ Liêm: Xuân Tảo, phường Xuân Đỉnh.
  • Quận Long Biên: Làng Hội Xá. 

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là hai lễ hội lớn nhất và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể, lễ hội Phù Đổng là quê hương của Thánh Gióng, diễn ra từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch. Lễ hội Sóc Sơn là nơi Thánh Gióng về trời, kéo dài trong ba ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng.

Lễ hội Gióng tại Sóc Sơn
Lễ hội Gióng tại Sóc Sơn (Ảnh: Nld.com.vn)

Mọi người cùng hỏi về lễ hội Gióng

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến lễ hội Gióng Phù Đổng.

Ngày chính hội của hội Gióng ngày bao nhiêu?

Ngày hội chính của lễ hội Gióng đền Phù Đổng là mùng 9 tháng 4 âm lịch. Người dân địa phương và du khách thập phương hướng về đền để tham dự hội trận tái hiện lịch sử.

Ý nghĩa của lễ hội Gióng

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng trước hết là dịp tôn vinh và tưởng nhớ công lao của người anh hùng Thánh Gióng, người đã bảo vệ đất nước trong thời kỳ gian khó. Đồng thời, đây là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu nước, những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa sâu sắc của dân tộc. 

Di chuyển đến Lễ hội Gióng như thế nào?

Đền Gióng Phù Đổng cách trung tâm Hà Nội khoảng 18km. Nếu bạn di chuyển tự túc bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, chỉ cần đi theo hướng cầu Chương Dương, sau đó men theo các tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập và Đặng Công Chất là đến nơi. 

Trong trường hợp di chuyển bằng xe buýt, bạn hãy bắt tuyến 42 (Bến xe Giáp Bát – Trung Mầu, Gia Lâm), sau đó xuống trạm dừng gần đường vào trường THCS Phù Đổng. Nhược điểm của hình thức này là bạn cần phải đi bộ khoảng 1km mới tới đền.

Để tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn, du khách có thể sử dụng dịch vụ xe điện Xanh SM Taxi hoặc Xanh SM Bike. Từ không gian xe sang trọng, sạch sẽ đến thái độ phục vụ chuyên nghiệp, Xanh SM luôn đặt sự thoải mái của khách hàng lên hàng đầu. 

Việc đặt xe vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần gọi đến hotline 1900 2088 hoặc tải Ứng dụng Xanh SM trên App Store hoặc Google Play. Nếu đặt xe trên ứng dụng, bạn đăng ký/đăng nhập tài khoản, nhập điểm đón – điểm đến, chọn loại xe phù hợp và bấm đặt xe. Toàn bộ hành trình của tài xế sẽ được cập nhật trực tiếp trên ứng dụng.

Cùng Xanh SM đồng hành với hành trình di chuyển của bạn
Cùng Xanh SM đồng hành với hành trình di chuyển của bạn (Ảnh: Xanh SM)

Hội Gióng Phù Đổng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, niềm tự hào của bao thế hệ người Việt. Hãy để Xanh SM đồng hành cùng bạn trong chuyến hành trình khám phá cội nguồn, tìm hiểu về một trong những di sản văn hóa quý báu của dân tộc! 

Xem thêm:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây