Những di tích lịch sở Hà Nội không chỉ là chứng nhân cho lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Mỗi công trình đều đang kể lại câu chuyện lịch sử theo cách riêng của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Địa chỉ: Số 2 Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác) là nơi an nghỉ và lưu giữ thi hài của vị lãnh tụ vĩ đại dân tộc Việt Nam. Lăng chính thức khởi công ngày 02/09/1973 tại lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình và hoàn thành ngày 29/08/1975.
Lăng có chiều cao 21,6m, mỗi cạnh rộng 30m và được xây bằng đá granite xám bên ngoài và xám đỏ đánh bóng bên trong. Quanh bốn mặt lăng là các hàng cột vuông từ đá hoa cương, phía trên lăng là mái hình tam cấp có dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” bằng đá màu mận chín.
Lưu ý: Giá vé trên là giá vé tham khảo vào tháng 12/2024 và có thể thay đổi tùy thời điểm.
Hoàng thành Thăng Long
- Địa chỉ: Số 19C đường Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé:
- Khách tham quan trong và ngoài nước: 70.000 VNĐ/lượt/khách.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người dưới 16 tuổi: Miễn phí.
- Người khuyết tật nặng, từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên, người hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, công dân đặc biệt khó khăn vùng sâu vùng xa, có công cách mạng, thuộc diện chính sách xã hội: Giảm 50%.
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể các di tích lịch sử ở Hà Nội. Hoàng Thành được xây dựng từ thế kỷ VII vào thời kỳ tiền Thăng Long và An Nam đô hộ phủ. Qua các triều đại Đinh – Tiền Lê, công trình dần mở rộng, phát triển mạnh mẽ dưới thời Lý, Trần, Lê và triều Nguyễn.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa đất nước, chứng kiến không ít sự kiện lịch sử quan trọng.
Năm 2010, di tích lịch sử của Hà Nội – Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Chùa Một Cột
- Địa chỉ: Phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé:
- Người Việt Nam: Miễn phí.
- Du khách nước ngoài: 25.000 VNĐ/lượt.
Chùa Một Cột (Chùa Diên Hựu, Liên Hoa Đài) là ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng dưới triều vua Lý Thái Tông vào năm 1049. Chùa xây trên một cột đá giữa hồ Linh Chiểu tựa như một đóa hoa sen nở rộ trên mặt nước, tượng trưng cho sự thanh tịnh và cao quý của Phật pháp.
Năm 1954, thực dân Pháp đã phá hủy chùa Một Cột, toàn bộ kiến trúc cũ đều bị mất, chỉ còn phần cột trụ dưới lòng hồ Linh Chiểu và mấy xà gỗ. Đến năm 1955, chùa được khôi phục theo kiến trúc thời Nguyễn bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.
Đến nay, chùa Một Cột là một trong những biểu tượng văn hóa và kiến trúc độc đáo, thu hút không ít du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô Hà Nội.
Thăng Long Tứ Trấn
Thăng Long Tứ Trấn là bốn ngôi đền linh thiêng trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam và Bắc của kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay). Mỗi ngôi đền được cai quản bởi một vị thần khác nhau, gắn liền với truyền thuyết, giai thoại riêng:
Đền Bạch Mã (Trấn Đông)
- Địa chỉ: Số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Địa danh di tích lịch sử Hà Nội Đền Bạch Mã xây dựng từ thế kỷ IX, thờ thần Long Đỗ. Theo truyền thuyết, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long gặp khó khăn khi xây thây thành, thần Long đỗ hóa thành ngựa dẫn đường, giúp vua hoàn thành việc xây dựng.
Sau khi hoàn thành việc dời đô, vua cho xây dựng đền Bạch Mã và phong thần Long Đỗ là Thành hoàng Quốc đô Thăng Long.
Đền Voi Phục (Trấn Tây)
- Địa chỉ: Số 362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Đền Voi Phục được xây dựng vào năm 1065 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đền thờ Linh Lang Đại Vương, con trai vua, người có công chống giặc Tống và được sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Tên gọi “Voi Phục” xuất phát từ hình ảnh hai con voi quỳ trước cổng đền.
Đền Kim Liên (Trấn Nam)
- Địa chỉ: Số 144 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Đền Kim Liên (đền Cao Sơn) được xây dựng vào thế kỷ XVI – XVII và là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Ông là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, có công bảo vệ phía Nam Kinh Thành và giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh, mang lại bình yên cho dân tộc.
Đền Quán Thánh (Trấn Bắc)
- Địa chỉ: Ngã tư đường Thanh Niên và Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé: 10.000 VNĐ/người, miễn phí đối với trẻ nhỏ.
Đền Quán Thánh (đền Trấn Vũ) xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) và thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần bảo hộ phía Bắc kinh thành. Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp dân trừ tà, diệt yêu. Đền Trấn Vũ nổi tiếng với tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn vũ cao 3,96m và nặng 4 tấn.
Văn Miếu Quốc Tử Giám
- Địa chỉ: Số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Giá vé: 70.000 VNĐ/lượt/khách.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích di tích lịch sử văn hóa Hà Nội và là biểu tượng cho truyền thống hiếu học, nền giáo dục lâu đời tại Việt Nam. Quần thể gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám.
Văn Miếu được xây dựng dưới triều đại vua Lý Thánh Tông năm 1070. Ban đầu, đây là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh và trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Trải qua ngàn năm lịch sử, đến nay, toàn bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được tu bổ, lưu giữ 82 bia tiến sĩ, ghi danh người đỗ đạt trong các kỳ thi từ 1442 – 1779 và được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò
- Địa chỉ: Số 1, phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Giá vé:
- Người lớn: 50.000 VNĐ/lượt/khách.
- Giảm 50% giá vé: Người khuyết tật nặng, từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên, người thuộc chính sách xã hội.
- Miễn phí: Người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ dưới 16 tuổi.
Nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) được thực dân Pháp xây dựng nhằm giam giữ các tù nhân, trong đó có rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương và cả phi công Mỹ.
Nhà tù được chia thành 4 khu:
- Khu A và B: Dành cho phạm nhân đang được cứu xét và phạm nhân nguy hiểm.
- Khu C: Dành cho phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.
- Khu D: Nơi câu cấm nạn nhân bị án tử hình chờ ngày duyệt y hoặc giảm án.
Bao quanh nhà tù là tường xây bằng đá cao 4m, dày 0,5m. Bên trên tường đá là mảnh chai, chăng dây điện cao thế.
Tháp nước Hàng Đậu
- Địa chỉ: Phố Hàng Đậu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé: Hiện đang bỏ hoang nhưng du khách được chụp ảnh miễn phí bên ngoài.
Tháp nước Hàng Đậu (Đài Đầu, nhà máy Nước Tròn) được xây dựng năm 1894 là địa điểm di tích lịch sử Hà Nội gắn liền với nhu cầu đời sống, cụ thể là quá trình cung cấp nước cho thủ đô trong những năm Pháp thuộc.
Tháp nước có thiết kế giống một pháo đài kiên cố, cao 3 tầng, gồm phần thân hình trụ tròn và mái tôn hình chóp nón. Trong đó, đường kính thân dài 19m, cao 21m (25 nếu tính cả chóp). Không gian trong tháp diện tích 250m3, đài nước làm bằng thép đặt tầng trên và xung quanh bao bởi tường đá đục 54 ô cửa hẹp, cao.
Di tích Thành Cổ Loa
- Địa chỉ: Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
- Giá vé:
- Người lớn: 30.000 VNĐ/lượt/khách.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ dưới 16 tuổi: Miễn phí.
- Người khuyết tật nặng, từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên từ 16 tuổi, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi khác,…: Giảm 50% giá vé.
Di tích Thành Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội – Kinh đô của của nước Âu Lạc thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ III trước Công Nguyên. Sau kinh thành tiếp tục được sử dụng dưới thời Ngô Quyền vào thế kỷ X.
Thành Cổ Loa được xây dựng với kiến trúc độc đáo với 3 vòng thành: Ngoại thành, trung thành và nội thành theo hình xoáy ốc. Theo truyền thuyết, thành có tới 9 vòng nhưng hiện tại chỉ còn 3.
Cầu Thê Húc – Đền Ngọc Sơn
- Địa chỉ: Hồ Hoàn Kiếm, thuộc phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Giá vé:
- Người lớn: 30.000 VNĐ/người.
- Học sinh, sinh viên từ 16 tuổi: 15.000 VNĐ/người.
- Trẻ em dưới 16 tuổi: Miễn phí.
Cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn nằm trên hồ Hoàn Kiếm. Cả hai di tích lịch sử không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là biểu tượng đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.
Đền Ngọc Sơn xây dựng từ thế kỷ XIX, lúc đầu đền được gọi là chùa Ngọc Sơn sau mới đổi thành “đền” vì thờ thần Văn Xương Đế Quân và Trần Hưng Đạo.
Năm 1865, nhà nho Nguyễn Văn Siêu tu sửa đền, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Cái tên “Thê Húc” nghĩa là “nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm”, biểu trưng cho sự thịnh vượng, may mắn.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu di tích Hà Nội cầu Thê Húc sụp đổ và được xây dựng lại bởi cụ Trương Văn Đa (Phạm Ngọc Lan).
Cột Cờ Hà Nội
- Địa chỉ: Số 28A Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá vé:
- Người lớn: 20.000 VNĐ/người.
- Học sinh, sinh viên, người trên 60 tuổi: Giảm 50% giá vé.
- Trẻ em dưới 15 tuổi, người có công cách mạng,…: Miễn phí.
Cột Cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội) xây dựng dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn năm 1806. Thân cột hình lục giác, mỗi cạnh dài 2,13m, cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên đỉnh. Trên đỉnh cột treo cờ và có thể quan sát toàn cảnh thành phố.
Công trình gồm ba tầng đế và một thân cột, tổng chiều cao khoảng 33,4m, bao gồm:
- Tầng 1: Mỗi chiều 4,2m, cao 3,1m.
- Tầng 2: Mỗi chiều 27m, cao 3,7m.
- Tầng 3: Mỗi chiều 12,8m, cao 5,1m. Tầng có 4 cửa, trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại có đắp 2 chữ tùy theo hướng, gồm 迎旭 – đón nắng ban mai ở cửa Đông, 向明 – hướng về ánh sáng ở cửa Nam và 回光 – ánh sáng phản hồi ở cửa Tây.
Hiện nay, Cột Cờ Hà Nội thuộc khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Gò Đống Đa
- Địa chỉ: Phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Gò Đống Đa là di tích Hà Nội gắn liền với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789 khi vua Quang Trung lãnh đạo quân Tây Sơn đánh bại quân xâm lược nhà Thanh.
Hằng năm khi đến ngày mùng 5 Tết Âm lịch, người dân Hà Nội đều nô nức dự Hội Gò Đống Đa, dâng hương tưởng nhớ chiến công các vị anh hùng xưa. Các vị lãnh đạo đại diện Đảng và Nhà nước đều đến dự và chủ trì nghi thức tại lễ hội.
Ô Quan Chưởng
- Địa chỉ: Phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, ngã tư Hàng Chiểu, Đào Duy Từ, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Năm 1749, vua Lê Hiển Tông cho xây dựng Ô Quan Chưởng. Cấu trúc cửa ô gồm cổng chính lớn và hai cổng phụ hai bên. Toàn bộ công trình xây bằng gạch, cổng chính có mái che uốn cong.
Trên đỉnh cửa có một vọng lâu dùng để quan sát và bảo vệ. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan, tường phía trái có gắn bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. Phía trên cửa lứa có ba chữ Hán “東河門” – Đông Hà Môn.
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn tồn tại của Kinh thành Thăng Long và là một phần của hệ thống phòng thủ kinh thành.
Chùa Láng
- Địa chỉ: Số 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Giá vé: Miễn phí.
Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự) là một trong các di tích ở Hà Nội gắn liền với Phật giáo. Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một nhà sư nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Kiến trúc chùa nổi bật với bốn cột vuông và ba mái cong gắn vào sườn, mái giữa cao hơn hai mái bên gần giống cổng cung vua phủ chúa ngày xưa. Trên cổng còn có tấm hoàng phi lớn đề chữ “Thiền Thiên Khải Thánh”.
Chùa Láng cũng là một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Hà Nội, gồm 198 pho tượng, nổi tiếng nhất có thể kể đến như Khuyến Thiện, Tứ Đại Thiên Vương, Cửu Long Phún Thủy, Lịch Đại Tổ Sư, Tứ Vị Vua Bà,…
Chùa Trấn Quốc
- Địa chỉ: Đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
- Giá vé: 5.000 VNĐ/người/lượt.
Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ) và được coi là ngôi chùa lâu đời nhất tại Thăng Long, Hà Nội (gần 1500 năm).
Chùa được xây dựng vào thế kỷ VI dưới triều đại Tiền Lý Nam Đế với tên ban đầu là chùa Khai Quốc. Trải qua các đời vua và nhiều lần đổi tên thì đến đời vua Lê Hy Tông thì chùa chính thức đổi tên thành Trấn Quốc với ý nghĩa giúp dân xua đuổi thiên tai, mang lại bình yên cho toàn quốc và giữ đến tận bây giờ.
Điểm nhấn lớn nhất của chùa là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen cao 15m, gồm 11 tầng. Mỗi tầng tháp đều có đặt tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng. Đỉnh tháp là đài sen chín tầng cũng bằng đá quý, tạo nên không gian linh thiêng và cảm giác yên bình cho ngôi chùa.
Kết trúc chùa Trấn Quốc gồm nhiều lớp nhà và ba ngôi chính như Tiền đường, thượng điện và nhà thiên hương. Tiền đường hướng Tây, hai bên nhà thiên hương và thượng điện là hành lang. Sau thượng điện có gác chuông, gác chuông chùa gồm một ngôi ba gian, mái chồng nằm trên trục sảnh đường chính.
Các di tích lịch sử Hà Nội không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là minh chứng cho bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Hy vọng Xanh SM sẽ được đồng hành cùng bạn trong chuyến hành trình khám phá nét đẹp kiến trúc độc đáo và quá khứ hào hùng của những di tích trên với những nghiệm thoải mái!
>>> Xem thêm: