Đông Cung Đền Và ở đâu? Kinh nghiệm tham quan di tích lịch sử Đền Và

Là nơi thờ một trong Tứ Bất Tử thuộc tín ngưỡng dân gian xưa, đến nay, Đền Và vẫn là một di tích lịch sử đáng để bạn trải nghiệm khi tới Hà Nội. Hãy cùng Xanh SM khám phá những nét đẹp linh thiêng của ngôi đền trong bài viết dưới đây nhé.

Đông Cung Đền Và ở đâu?

Tọa lạc tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Đền Và nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Tây. Ngôi đền ngụ trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh là rừng lim cổ thụ xanh mát và những cánh đồng trải dài, không gian vô cùng trong lành, yên tĩnh. 

Đền Và hay còn có tên gọi khác là Đông Cung, là di tích lớn nhất trong gần 200 di tích lịch sử ở thôn Đoài. Tại đây thờ thần núi Tản Viên – một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, bên cạnh các vị thánh khác là Chử Đồng Tử, Thánh Gióng và Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Và là di tích lịch sử, văn hóa lâu đời tại Sơn Tây (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Lịch sử và ý nghĩa của Đền Và

Qua bao tháng năm thăng trầm, Đền Và vẫn hiện hữu như một biểu tượng bất diệt của truyền thống dân gian người Việt thuở xa xưa.

Lịch sử hình thành và xây dựng

Theo dã sử, Đức Thánh Tản Viên sau khi giúp dân trị thủy đã du ngoạn khắp nơi, và khi đi qua một quả đồi bên dòng sông Tích, Ngài dừng chân nghỉ ngơi, vừa lúc đó có một đám mây ngũ sắc bay từ núi Ba Vì tới. Cho rằng đây là điềm lành, Ngài liền lập hành cung tại nơi này và đặt tên là Vân Già đông thần cung, về sau trở thành Đền Và. 

Dựa vào điển tích này, dân làng ở đó đã lấy tên làng là Vân Gia, chăm lo hương khói để bày tỏ lòng thành kính với Đức Thánh. Theo bia “Vân Già đông trấn cung ký” dựng ở Đền Và vào năm Tự Đức thứ 36 (1883), ban đầu, đây chỉ là một khu thờ nhỏ nhưng rất linh ứng dưới thời nước ta chịu ách đô hộ của nhà Đường.

Do vị trí đền chỉ cách tỉnh lỵ khoảng 2km, nơi tập trung nhiều quan chức và thương gia, nên đền đã nhiều lần được tu sửa, mở rộng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cả quan lại cùng người dân địa phương.

Đền Và rất linh thiêng, là nơi thờ cúng Đức Thánh Tản Viên (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ý nghĩa văn hóa và tôn giáo

Đền Và là biểu tượng của đời sống tâm linh người Việt, đặc biệt gắn bó với niềm tôn kính mà người dân dành cho thần núi Tản Viên – vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử. Ngài không chỉ là người bảo vệ đất đai và mùa màng cho nhân dân, mà còn là anh hùng chống lại thiên tai, giúp dân chúng an cư, lạc nghiệp. 

Đền Và chính là nơi để người dân gửi gắm tấm lòng thành kính, mong cầu được bình an và hạnh phúc, nhất là vào những ngày lễ hội quan trọng. 

Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1964, Đền Và còn là “chứng nhân” bảo tồn những giá trị tinh thần lâu đời, kết nối các thế hệ trong dòng chảy của tín ngưỡng dân gian, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đền Và rất linh thiêng, được nhiều người dân đến để bái vọng (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Điểm đặc sắc khi tham quan Đền Và

Đến với Đền Và, chắc chắn bạn sẽ không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên trước vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc nơi đây, cùng những lễ hội hay hoạt động tín ngưỡng sôi nổi, mang đậm sắc thái tâm linh.

Đền Và nổi bật với kiến trúc Phương Đông

Có lối thiết kế hài hòa với thiên nhiên, Đền Và sở hữu bản sắc kiến trúc Phương Đông rõ nét. Mỗi chi tiết đều gắn với các biểu tượng tâm linh truyền thống, tạo nên một không gian vừa uy nghiêm vừa đậm chất văn hóa Việt:

  • Tam quan (nghi môn): Được xây dựng với ba gian dựng trên nền cao, trong đó gian giữa cao 4.8m, hai gian bên cao 2.15m. Cột gỗ của nghi môn đặt trên chân tảng đá ong, với cột cái cao 4.95m và cột quân cao 3.8m. Kiến trúc tam quan này khá hiếm gặp, nhưng bạn có thể tìm thấy tại các di tích như đền Vua Đinh hay Văn Miếu.
  • Gác chuông, gác trống: Đặt hai bên tam quan, kiểu chồng diêm tám mái, phỏng theo thiết kế của chùa Thầy và mang dáng dấp của Khuê Văn Các tại Quốc Tử Giám. Phía mặt hướng vào phần sân đền được trang trí họa tiết ngũ phúc, có năm con dơi đang dang cánh để ôm vào chiếc cửa sổ tròn.
  • Khu tả mạc, hữu mạc (tả vu, hữu vu): Các khu vực này có cấu kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, với mặt tiền là cột vuông trên nền tam cấp. Đây là nơi bố trí nhà kho và chỗ nghỉ tạm cho khách hành hương.
  • Nhà tiền tế: Nhà tiền tế năm gian sở hữu kiến trúc hình chữ nhất (一) theo lối chồng rường, giá chiêng, với hệ thống cột cái và cột quân đặt trên tảng kê chân cột đá, cùng các hoành phi, câu đối được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ.
  • Hậu cung: Hậu cung là nơi đặt khám thờ cao 3m, sơn son thếp vàng, bên trong thờ Đức Quốc Mẫu và Tam vị Đức Thánh Tản, có kết cấu hình chữ công (工), gồm ba gian hai chái. Tòa ngoài hậu cung có bốn tượng Thánh trấn giữ bốn hướng quanh núi Ba Vì và tượng quan văn, quan võ.
  • Sân đền: Khu vực sân đền rộng khoảng 300m² cùng tường thấp bao quanh, tạo nên một không gian mở nhưng vẫn hài hòa. Giữa sân là một bình phong đá khắc ngũ hổ và họa tiết “long cuốn thủy” cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa.
  • Họa tiết, biểu tượng: Kiến trúc Đền Và nổi bật với các họa tiết ngũ phúc, tứ linh, câu đối cũng như hoành phi chạm khắc tinh tế. Đền còn lưu giữ nhiều bản sắc phong, bia đá, chuông đồng, hoành phi hay câu đối có giá trị cao về nghệ thuật, thể hiện lòng thành kính với thần núi Tản Viên.
Mỗi chi tiết bên trong ngôi đền đều được chạm khắc tinh xảo (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các lễ hội và hoạt động tại Đền Và

Đã thành lệ, cứ ba năm một lần, Đền Và sẽ tổ chức lễ hội lớn vào mùa xuân và mùa thu các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Những ngày lễ này sẽ thu hút hàng chục nghìn người từ các khu vực lân cận ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc… cùng với khách thập phương đến tham gia các nghi lễ và dâng hương. 

Hội xuân Đền Và:

  • Thời gian: Trong ba ngày rằm tháng Giêng âm lịch (15, 16 và 17 tháng 1).
  • Hoạt động: Nghi thức đặc trưng nhất trong hội là lễ rước long ngai bài vị “Tam vị Đức Thánh Tản”, di chuyển từ Đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn để đến Đền Dội tại làng Di Bình, xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thực hiện lễ tế, tái hiện sự tích Đức Thánh Tản Viên tắm sông, sau đó quay lại Đền Và. 

Hội thu Đền Và: 

  • Thời gian: Rằm tháng Chín âm lịch
  • Hoạt động: Hội thu của Đền Và có điểm nhấn là lễ tế cá trên sông Tích. Tại đây, người dân sẽ bắt và chọn ra 99 con cá trắng để chế biến thành các món tế Thánh, xuất phát từ nguồn gốc việc Thánh Tản Viên dạy người dân kéo vó đánh cá. 
Lễ hội Đền Và diễn ra linh đình, thu hút nhiều du khách đến tham gia (Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật)

Ngoài những ngày hội lớn trên thì vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch, dân địa phương vẫn về đền chiêm bái, thắp hương và tận hưởng không khí thanh tịnh, linh thiêng cổ kính này.

Các hoạt động tham quan và trải nghiệm

Đến với Đền Và vào mùa lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, hết sức ý nghĩa như: 

  • Tham gia các nghi lễ truyền thống như lễ rước kiệu Thánh Tản Viên qua sông Hồng, chui qua kiệu để cầu may mắn, sức khỏe, hoặc dâng hương tại các hương án hai bên đường…
  • Thưởng ngoạn cảnh đẹp thanh bình quanh đền, với những hàng cây trăm tuổi tỏa bóng mát, đem lại cảm giác yên bình, thư giãn.
  • Ghé thăm các làng nghề truyền thống quanh khu vực Sơn Tây như làng nghề gốm Phú Nhi và làng nghề thêu ren thôn Ngọc Kiên (xã Cổ Đông) để tìm hiểu nghệ thuật thủ công kỳ thú. 
  • Thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương như bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía – “đặc sản tiến vua”, thịt quay đòn, chè lam, kẹo lạc Đường Lâm hay các sản phẩm từ sữa Ba Vì. Những món ăn này mang đậm nét đặc trưng của ẩm thực Sơn Tây, gây thương nhớ với rất nhiều thực khách dù chỉ mới nếm thử qua một lần.
Bánh tẻ Phú Nhi – Món ăn đặc sản ngon nức tiếng của Sơn Tây (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Kinh nghiệm thăm quan Đền Và

Để lưu giữ chuyến hành trình được trọn vẹn nhất, nếu bạn đang có ý định ghé thăm Đền Và trong thời gian tới, hãy lưu ý một số kinh nghiệm quan trọng dưới đây nhé:Thời gian thăm quan lý tưởng

Thời gian lý tưởng để bạn tham quan Đền Và là vào mùa xuân và mùa thu, khi tiết trời mát mẻ, dễ chịu, phù hợp cho việc khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và tham gia các nghi lễ. 

Đặc biệt, mùa xuân vào rằm tháng Giêng là dịp lễ hội lớn, bạn sẽ được khám phá không khí náo nhiệt, sôi động với nhiều hoạt động tín ngưỡng truyền thống. Nếu có thể, bạn nên sắp xếp chuyến tham quan trong ngày vì đền chỉ mở từ 8h – 18h, và xung quanh đền không có nhiều chỗ nghỉ qua đêm. 

Nên lễ viếng Đền Và vào mùa xuân và mùa thu để tham gia nhiều hoạt động đặc sắc (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Cách di chuyển đến Đền Và

Đền Và nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, vì thế để  di chuyển đến Đền Và bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện khác nhau như:

  • Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Đi xe máy hoặc ô tô là cách thuận tiện, nhanh chóng nhất. Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi theo đường Tân Xuân (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm), sau đó tiếp tục theo đường Liên Mạc đến thị trấn Phùng. Từ đây, bạn di chuyển dọc quốc lộ 32 để tới thị xã Sơn Tây. Khi vào địa phận Sơn Tây, rẽ vào đường Vân Gia và đi thẳng theo đường Đền Và là đến nơi. Tổng thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
  • Di chuyển bằng xe bus: Tuyến xe buýt 118 có lộ trình đi qua gần khu vực đền, để bạn có thể tham quan ngôi đền này. Sau khi xuống xe, bạn có thể đi bộ hoặc bắt xe ôm trong quãng đường ngắn còn lại để vào đền.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một chuyến đi an toàn, nhanh chóng và thân thiện với môi trường, bạn đừng quên sử dụng Xanh SM – dịch vụ đặt xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. 

Với Xanh SM, bạn có thể tiết kiệm thời gian với chi phí hợp lý, có cho mình trải nghiệm di chuyển thoải mái, dễ dàng vi vu khắp Hà Nội mà vẫn bảo vệ môi trường xung quanh.

Chỉ cần tải Xanh SM trên App Store hoặc Google Play, sau khi cài đặt và đăng ký tài khoản, bạn sẽ có ngay các lựa chọn di chuyển đa dạng như Xanh SM Taxi, Xanh SM Luxury hoặc Xanh SM Bike. 

Lựa chọn dịch vụ của Xanh SM để bạn và gia đình có một chuyến đi an toàn (Ảnh: Xanh SM)

Những lưu ý khi tham quan

Trong quá trình ghé thăm Đền Và, du khách cần lưu ý một số điều sau:

  • Về trang phục: Hãy lựa chọn trang phục lịch sự và kín đáo, thể hiện sự tôn trọng, thành kính đối với không gian linh thiêng của đền.
  • Về hành vi ứng xử: Giữ gìn trật tự, không làm ồn, tránh gây ảnh hưởng đến những người đang hành lễ. Đồng thời, không vứt rác bừa bãi hay làm hư hại khu vực thờ cúng.
  • Về tài sản cá nhân: Vào những ngày lễ hội, đền thu hút rất đông du khách, bạn nên đến sớm để có vị trí đẹp tham gia lễ hội, hạn chế mang theo tài sản có giá trị để tránh bị thất lạc.
Hãy mặc trang phục lịch sự, kín đáo khi đến dâng hương tại Đền Và (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Các địa điểm du lịch gần Đền Và

Đền Và nằm gần nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác ở Sơn Tây (Hà Nội), nên khi tham quan Đền Và, du khách có thể kết hợp ghé thăm các địa điểm lân cận như:

  • Làng cổ Đường Lâm: Ngôi làng yên bình cách Đền Và 3.1km với những căn nhà mái ngói rêu phong, đậm chất Bắc Bộ trữ tình lâu đời mà bạn không nên bỏ lỡ, nếu muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống.
  • Khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà: Nằm ở Vân Hòa, Ba Vì, cách Đền Và khoảng 15km, Thiên Sơn Suối Ngà là khu du lịch có không gian rộng rãi, mát mẻ với những dòng thác trắng xóa chảy từ đỉnh Ngọa Sơn. Đây là nơi lý tưởng để bạn thư giãn, hòa mình cùng thiên nhiên.
  • Thành cổ Sơn Tây: Tọa lạc tại phường Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội, thành cổ Sơn Tây nằm cách Đền Và khoảng 3km về phía Tây, có kiến trúc cổ kính, khuôn viên rộng và nhiều cây xanh. Khi tới đây, bạn sẽ được khám phá về lịch sử và văn hóa dân tộc.
Thành cổ Sơn Tây là địa điểm du lịch hấp dẫn dễ dàng để di chuyển quanh Đền Và (Ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Bài viết trên đây của Xanh SM vừa giới thiệu tới bạn tất tần tật về Đền Và – ngôi đền linh thiêng thờ Đức Thánh Tản Viên và những điều kỳ thú xung quanh ngôi đền này. Hy vọng rằng qua bài viết, bạn sẽ có cho mình nhiều thông tin hữu ích cùng chuyến đi đáng nhớ tại đây! 

Đừng quên trải nghiệm dịch vụ tiện lợi, thân thiện với môi trường của Xanh SM, lưu giữ cho mình các chặng hành trình thú vị nhất bạn nhé!

Xem thêm:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây