Ghé thăm đền Tưởng niệm Bến Nọc – “Địa chỉ đỏ” Quận Thủ Đức

Đền Tưởng niệm Bến Nọc được biết đến là “địa chỉ đỏ” ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây là một trong những công trình tiêu biểu, nơi tưởng niệm 700 chiến sĩ, đồng bào cách mạng đã bị giặc Pháp sát hại vào năm 1946 – 1947, đồng thời khắc sâu tinh thần yêu nước, lòng kiên cường và sự đoàn kết dân tộc.

Đền Tưởng niệm Bến Nọc ở đâu?

Đền Tưởng niệm Bến Nọc có địa chỉ tại 12/86C Lê Văn Việt, Phường Tân Phú, Quận 9, Hồ Chí Minh, nằm cách trung tâm thành phố (quận 1) khoảng 20km.

Đền Tưởng niệm Bến Nọc tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.
Đền Tưởng niệm Bến Nọc tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Google Maps)

Lịch sử hình thành đền Tưởng niệm Bến Nọc

Nói đến đền Tưởng niệm Bến Nọc không thể không nhắc đến bót Dây Thép. Đây là trung tâm tra tấn của thực dân Pháp với những nhục hình vô cùng dã man.

Theo các tư liệu lịch sử, bót Dây Thép ban đầu được thực dân Pháp xây dựng làm trạm thu phát thông tin. Tuy nhiên sau đó Pháp đã biến nơi này thành căn cứ kiểm soát vùng bưng 6 xã ở Thủ Đức và đàn áp phong trào cách mạng. Bót trở thành nơi giam cầm, tra tấn dã man những chiến sĩ cách mạng và người dân bị nghi ngờ che giấu cán bộ.

Hình ảnh Bót dây thép
Hình ảnh Bót dây thép. (Ảnh: Trung tâm văn hóa Thành phố Thủ Đức)

Tháng 4-1946, tên quan hai Pirolet được đưa về bót Dây Thép để chỉ huy đại đội lính lê dương đàn áp phong trào cách mạng. Trong khoảng thời gian này, người dân vùng Tăng Nhơn Phú trải qua chuỗi ngày đầy tang tóc. Ai bị nghi ngờ đều bị bắt về bót, chịu đủ cực hình để ép cung và gán họ là “chính trị phạm”. Sau cùng mang họ đến cầu Bến Nọc, bắn chết và ném xác xuống suối Cái.

Khi hầm nhốt người quá tải, lính Pháp dùng thòng lọng và lôi cổ một số người lên. Nạn nhân lập tức bị trói lại và xếp thành hàng để kẻ trùm mặt nhận diện. Nếu tên này gật đầu thì nạn nhân ngay lập tức bị đẩy ngã sấp xuống tấm ván gỗ và bị chặt đầu bêu trước bót Dây Thép.

Mặc cho sự đàn áp tàn khốc của thực dân Pháp, nhân dân Tăng Nhơn Phú vẫn âm thầm tổ chức tiêu thổ kháng chiến. Các công trình như đình, chùa, nhà cửa kiên cố được tháo dỡ để cản bước quân. Hằng đêm, dân công đi phá đường, đắp ụ và chặn giao thông. Tuy nhiên, những hành động này cũng khiến người dân phải trả giá bằng máu, với những vụ thảm sát tập thể không ngừng diễn ra.

Các tầng lớp Nhân dân đấu tranh chính trị phản đối thực dân Pháp
Các tầng lớp Nhân dân đấu tranh chính trị phản đối thực dân Pháp. (Ảnh: Trung tâm văn hóa Thành phố Thủ Đức)

Chúng tuyên bố, cứ một sĩ quan Pháp bị giết, 20 người dân sẽ bị sát hại; một lính Pháp bị giết thì 10 người dân phải đền mạng; một tấm ván trên cầu Bến Nọc bị phá thì sẽ có 3 người dân vô tội bị giết… Nếu du kích tấn công vào bót thì chúng sẽ đưa tất cả nạn nhân bị giam cầm ra xử tử.

Tên Trung úy Pirolet chỉ huy đại đội lính lê dương tra tấn một cách dã man
Tên Trung úy Pirolet chỉ huy đại đội lính lê dương tra tấn một cách dã man. (Ảnh: Trung tâm văn hóa Thành phố Thủ Đức)

Tháng 9-1946, một cuộc thảm sát man rợ đã diễn ra. Tên chỉ huy Pirolet tàn bạo ra lệnh đưa toàn bộ tù nhân từ dưới hầm lên, sau đó chọn 24 thanh niên khỏe mạnh. Chúng trói cổ từng người nối liền với nhau, dùng kẽm gai xuyên qua lòng bàn tay của các nạn nhân, rồi kéo họ đến cổng đình trong xã. Tại đây, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, chúng lạnh lùng xả súng.

Cuối năm 1947, trước khi chuyển đi nơi khác, Pirolet đã ra lệnh giết toàn bộ tù nhân còn sót lại tại cầu Bến Nọc. Chỉ trong hai năm, hơn 700 người, phần lớn là nông dân vô tội, đã bị thảm sát, nhuộm đỏ dòng suối Cái. Chính điều này đã hun đúc ý chí đấu tranh mãnh liệt cho phong trào cách mạng địa phương.

Thực dân Pháp ném xác đồng bào, chiến sĩ xuống dạ cầu Bến Nọc
Thực dân Pháp ném xác đồng bào, chiến sĩ xuống dạ cầu Bến Nọc. (Ảnh: Trung tâm văn hóa Thành phố Thủ Đức)

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bót Dây Thép trở thành biểu tượng của sự hy sinh và lòng kiên trung của nhân dân Tăng Nhơn Phú. Đền Tưởng niệm Bến Nọc được Đảng bộ, chính quyền thành phố Thủ Đức xây dựng và khánh thành vào năm 2009 tại khu vực từng là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Pháp. 

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đầy biến động, khu vực Bến Nọc chứng kiến những trận đánh quyết liệt giữa dân quân địa phương với các thế lực xâm lược. Đền là nơi tưởng nhớ công lao và bày tỏ lòng thành kính với hơn 700 vong linh đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã bị giặc Pháp sát hại tại Bót dây thép vào năm 1946 – 1947.

Toàn cảnh đền Tưởng niệm Bến Nọc
Toàn cảnh đền Tưởng niệm Bến Nọc. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các cảnh quan nổi bật của đền Bến Nọc

Qua từng chi tiết của công trình, từ kiến trúc đến cảnh quan, đền Bến Nọc như kể lại những câu chuyện lịch sử hào hùng, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và nhắc nhở mỗi người về giá trị của hòa bình.

Cảnh quan bên ngoài

Cổng tam quan

Cổng chính đền Tưởng niệm Bến Nọc gây ấn tượng là cổng tam quan uy nghiêm mang đậm phong cách cổng làng truyền thống Việt Nam, mái lợp ngói âm dương tạo nên vẻ cổ kính và trang nghiêm. 

Cổng chào của đền Tưởng niệm Bến Nọc
Cổng chào của đền Tưởng niệm Bến Nọc. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tượng đài các Bà mẹ ôm xác con

Bên cạnh cổng tam quan là tượng đài các Bà mẹ ôm xác con – một hình ảnh xúc động và đầy ý nghĩa. Tượng đài tái hiện cảnh những người mẹ Việt Nam đã phải chịu đựng nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Đây không chỉ là lời nhắc nhở về sự tàn khốc của chiến tranh mà còn là lời tri ân những người mẹ đã cống hiến tất cả cho đất nước.

Không gian bên ngoài của khu vực đền chính
Biểu tượng đấu tranh của đền Tưởng niệm Bến Nọc – tượng Bà mẹ ôm xác con. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Văn bia

Trên khuôn viên bên ngoài, văn bia được dựng lên trang trọng để ghi lại những sự kiện lịch sử và công lao to lớn của các dân quân du kích tại Bến Nọc. Nội dung văn bia được soạn thảo công phu để thế hệ sau hiểu rõ hơn về những hy sinh thầm lặng và tinh thần chiến đấu quả cảm của cha ông.

Cảnh quan bên trong

Khu vực đền chính

Bước vào khu vực đền chính, bạn sẽ cảm nhận được không gian trang nghiêm, thanh tịnh. Được thiết kế theo phong cách truyền thống, với các chi tiết gỗ chạm khắc và ánh sáng dịu nhẹ, tạo cảm giác linh thiêng và ấm cúng.

Trung tâm của đền là bàn thờ Tổ quốc phía trên là dòng chữ vàng “Tổ quốc ghi công”, chính giữa là tượng chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên là bà thờ tri ân các vị tiền bối, các anh hùng liệt sĩ. Trước bàn thờ treo câu đối trang trọng:

“Muối mặn sát lòng dân bè lũ ngoại xâm tính thôn đất nước

Sương giá lạnh hồn oan bảy trăm thi thể vùi chung mộ phần.”

Bên ngoài bức tường của đền chính được trang trí bằng phù điêu, khắc họa hình ảnh đầy bi thương về trận thảm sát tại cầu Bến Nọc. Nơi đây cũng lưu giữ rất nhiều hiện vật là dụng cụ tra tấn mà thực dân Pháp đã sử dụng để hành hạ và giết hại đồng bào cùng các chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Sinh viên thăm quan Đền tưởng niệm Bến Nọc
Sinh viên thăm quan Đền tưởng niệm Bến Nọc. (Ảnh: Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)

Hầm biệt giam

Một trong những điểm đặc biệt tại đền Tưởng niệm Bến Nọc là khu vực hầm biệt giam – được cải tạo từ hầm phân. Hầm được xây dựng giống như nguyên bản với không gian chật hẹp, tối tăm và thiếu thốn. Đây là nơi các tù nhân phải chịu đựng sự tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, là minh chứng sống động cho những tội ác man rợ của thực dân Pháp.

Hầm biệt giam tại đền Tưởng niệm Bến Nọc
Hầm biệt giam tại đền Tưởng niệm Bến Nọc. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Hầm nhốt tù nhân

Bên cạnh hầm biệt giam là khu vực hầm nhốt tù nhân, nơi tái hiện những tình cảnh khắc nghiệt mà các dân quân bị bắt giữ phải đối mặt. Có những tù nhân bị ngộp thở chết vì hầm giam người quá đông, không có dưỡng khí. 

Hầm nhốt tù nhân cực kỳ man rợ
Hầm nhốt tù nhân cực kỳ man rợ. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Hướng dẫn di chuyển đến Đền Tưởng niệm Bến Nọc

Nghe có vẻ xa nhưng đường xá rộng rãi và thông thoáng rất thuận tiện cho việc di chuyển bằng nhiều loại phương tiện để tới thăm đền.

Phương tiện cá nhân

Bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô trong khoảng 30 phút lái xe, qua các tuyến đường chính như XL Hà Nội, đường Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 52…Di chuyển bằng phương tiện này là thuận tiện nhất khi bạn đi cùng gia đình hoặc bạn bè theo nhóm đông. 

Di chuyển bằng xe công nghệ

Để góp phần bảo vệ môi trường những vẫn có trải nghiệm di chuyển an toàn, tiện lợi. Hãy chọn Xanh SM để cùng trải nghiệm phong cách sống hiện đại và thân thiện môi trường.

Tải ứng dụng Xanh SM từ App Store đối với hệ điều hành IOS hoặc Google Play đối với hệ điều hành Android.

Cùng Xanh SM vi vu muôn nơi, không lo về giá
Cùng Xanh SM vi vu muôn nơi, không lo về giá. (Ảnh: Xanh SM)

Phương tiện công cộng 

Hiện tại, để di chuyển từ Quận 1, TP. Hồ Chí Minh đến Đền tưởng niệm Bến Nọc (Thủ Đức), bạn có thể tham khảo một số tuyến xe buýt phù hợp:

Tuyến 56: Từ Bến xe Chợ Lớn đến Đại học Giao thông Vận tải, tuyến này đi qua một số điểm gần Thủ Đức. Bạn có thể kết hợp thêm một tuyến buýt khác hoặc di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ điểm dừng cuối.

Tuyến 6: Từ Bến xe Chợ Lớn đến Đại học Nông Lâm, tuyến này cũng thuận tiện để kết nối đến khu vực gần Đền tưởng niệm Bến Nọc.

Đền Tưởng niệm Bến Nọc không chỉ là nơi để tri ân các anh hùng liệt sĩ mà còn là điểm dừng chân ý nghĩa cho mọi thế hệ đến tìm hiểu lịch sử và truyền thống dân tộc. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và đừng quên đồng hành cùng Xanh SM khám phá những địa điểm tại Thành phố mang tên Bác.

Xem thêm:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây