Khám phá Đền Hạ: Địa điểm lịch sử và tâm linh đặc biệt ở Việt Nam 

Đền Hạ là ngôi đền nổi tiếng bậc nhất trong 12 ngôi đền thờ Mẫu của tỉnh Tuyên Quang. Đây là địa điểm lịch sử và tâm linh vô cùng đặc biệt, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan hàng năm. 

Giới thiệu về Đền Hạ 

Đền Hạ có tên chữ là “Hiệp Thuận linh từ”, Lễ hội đền Hạ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận năm 2018. Nơi đây là không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu đặc sắc. 

Đền Hạ nằm ở đâu? 

Đền Hạ tọa lạc tại số 53 đường Chiến thắng Sông Lô, tổ 4, P. Tân Quang, TP. Tuyên Quang. Đền được xây dựng năm 1738 với vị trí đắc địa, trước mắt là dòng sông Lô hiền hòa, sau lưng là núi Là hùng vĩ.  

Từ vị trí của đền Hạ, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến nhiều địa điểm nổi tiếng khác như Di tích Thành nhà Mạc, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng Tỉnh Tuyên Quang… 

Đền Hạ tọa lạc tại một vị trí vô cùng đắc địa về mặt phong thủy
Đền Hạ tọa lạc tại một vị trí vô cùng đắc địa về mặt phong thủy (Ảnh: Google Maps)

Đền Hạ thờ ai?

Đền Hạ thờ Mẫu Thượng ngàn, tức Phương Dung công chúa, con gái của vua Hùng cũng là nơi nhân dân Tuyên Quang thực hiện các nghi thức tín ngưỡng của tục Thờ Mẫu bao đời nay. 

Lịch sử và ý nghĩa tâm linh của Đền Hạ

Đền Hạ là một ngôi đền linh thiêng, có ý nghĩa lịch sử và tâm linh to lớn, hấp dẫn du khách đến tham quan và khám phá. 

Lịch sử xây dựng Đền Hạ

Tương truyền, hai công chúa là Phương Dung và Ngọc Lân được vua cha cử đi xem xét địa phương, dừng chân tại bến Tam Cờ, đêm xuống trời nổi cơn giông gió, hai công chúa vụt bay lên trời. Nhân dân thấy linh dị nên đã lập đền thờ. 

Đền thờ Phương Dung công chúa nằm ở hữu ngạn sông Lô thuộc phường Tân Quang ngày nay, tức đền Hạ. Đền thờ Ngọc Lân công chúa nằm ở tả ngạn sông Lô thuộc xã Tràng Đàn, tức đền Thượng. Còn đền Mẫu Ỷ La, là nơi nhân dân dựng nên để giữ bát hương, bài vị của Phương Dung công chúa khi giặc đến.

Đền Hạ thờ Mẫu Thoải - vị Thánh Mẫu cai quản vùng sông nước trong Đạo Mẫu
Đền Hạ thờ Mẫu Thoải – vị Thánh Mẫu cai quản vùng sông nước trong Đạo Mẫu (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để có được diện mạo như ngày nay, đền Hạ Tuyên Quang đã trải qua nhiều mốc quan trọng: 

  • Năm 1738, dưới thời vua Cảnh Hưng, đền được xây dựng một cách quy mô.
  • Năm 1878, đền được trùng tu, tôn tạo. 
  • Năm 1991, đền được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
  • Năm 1994, đền được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ.
  • Năm 2018, Lễ hội đền Hạ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với Lễ hội đền Thượng và Lễ hội đền Mẫu Ỷ La. 

Đền Hạ cũng gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trước cách mạng tháng Tám, các chiến sĩ cách mạng đã hoạt động bí mật, sử dụng đền Hạ làm nơi tập kết lực lượng, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí để đánh phát xít Nhật tại thị xã Tuyên Quang. 

Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi “Tuần lễ vàng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chọn đền Hạ làm nơi nhận quyên góp, ủng hộ vàng cho cách mạng. Sau đó, để làm nhiệm vụ tiếp quản vũ khí, lương thực, thuốc men, Văn phòng Đại hội Hùng Vương cũng đóng tại đền Hạ. 

Ý nghĩa tâm linh của Đền Hạ đối với người dân

Đạo Thờ Mẫu là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc của người dân Tuyên Quang ở tam đền bao gồm đền Hạ, đền Thượng và đền Mẫu Ỷ La. Lễ hội Đền Hạ là nơi nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của Thánh Mẫu. 

Bên cạnh đó, đến với đền Hạ, người dân cũng bày tỏ nguyện vọng của mình, cầu cho một cuộc sống sung túc, ấm no, gia đình mạnh khỏe, bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Nghi lễ tế lễ hoàn cung diễn ra vào ngày 16 tháng 2 âm lịch
Nghi lễ tế lễ hoàn cung diễn ra vào ngày 16 tháng 2 âm lịch (Ảnh: tuyenquang.gov.vn)

Hằng năm, có đến hàng triệu lượt du khách đến với lễ hội và các ngôi đền thờ Mẫu linh thiêng. Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại đây không chỉ giúp lưu giữ, phát triển nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp phần phát triển du lịch, kinh tế địa phương. 

Các trải nghiệm tham quan Đền Hạ

Tham quan Đền Hạ mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn khi được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, lễ hội nhộn nhịp, đậm đà nét đẹp văn hóa tín ngưỡng. 

Khám phá kiến trúc độc đáo của Đền Hạ

Đền có kiến trúc theo lối nội công ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ có bốn trụ. Trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Cạnh sân chầu là hai miếu còn gọi là Lầu cô. Tiếp đến là lầu tế, thờ Đệ nhị thượng ngàn. Rồi đến Tam phủ thờ Đệ nhất thượng ngàn.

Gian chính bố trí hình chữ Tam gồm 3 cung. Trong cung, trên bệ thờ đặt một bộ đỉnh, cạnh bệ thờ treo chuông, khánh…

Đền Hạ sở hữu lối kiến trúc độc đáo
Đền Hạ sở hữu lối kiến trúc độc đáo (Ảnh: Luhanhvietnam)

Nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật của đền là chạm khắc gỗ công phu. Các cột, kèo, thượng lương, cửa võng… đều được chạm trổ tinh xảo, với đề tài là tứ linh và tứ quý. Trên thân cột chạm hình Long Giáng thủy cung. Đặc biệt những hình cây, hoa trên cửa võng được điêu khắc mềm mại như tranh vẽ.

Trong Đền còn giữ được nhiều bảo vật lâu đời có giá trị nghệ thuật cao, nổi bật là quả chuông đồng, khánh cỡ lớn được đúc vào thời Lê, 3 pho tượng cổ cùng 20 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn.

Lễ hội và các hoạt động diễn ra tại Đền Hạ

Lễ hội Đền Hạ Tuyên Quang diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch hằng năm với hai ngày chính lễ là 11 và 12. Lễ hội được tổ chức uy nghi và náo nhiệt, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến tham gia. Lễ hội được chia làm 2 phần là phần Lễ và phần Hội. 

Về phần Lễ, vào sáng ngày 11, từ 6 giờ sáng, nhân dân sẽ tập trung tại đền Mẫu Ỷ La để rước Phương Dung công chúa về đền Hạ. Ngày 12, mọi người lại tập trung ở đền Thượng để rước Ngọc Lân công chúa về đền Hạ. Việc hợp tế là biểu hiện của sự gặp gỡ đoàn tụ, sum họp gia đình của hai vị Thánh Mẫu. 

Trong Lễ rước Mẫu sẽ có đoàn múa lân, cờ, trống, phường bát âm, nhang án, kiệu bát cống, kiệu võng, các bô lão cùng những người hành lễ hộ tống. Đoàn rước Mẫu đi đến đâu, dòng người nô nức đến đó. Nhiều gia đình còn bày mâm lễ, đinh tiền, nén nhang khi đoàn rước đi qua để cầu Thánh Mẫu ban phước lộc. 

Toàn cảnh đoàn rước Mẫu
Toàn cảnh đoàn rước Mẫu (Ảnh: tuyenquang.gov.vn)

Về phần Hội, có rất nhiều trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, chọi gà…) được tổ chức cùng với thi đấu thể thao. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như giới thiệu trang phục, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, diễn xướng dân gian kết hợp với biểu diễn âm nhạc. Phần hội kéo dài trong suốt 3 ngày tiếp theo là 13, 14 và 15. Đến ngày 16, nhân dân làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình, kết thúc lễ hội. 

Những câu chuyện lịch sử và huyền thoại liên quan đến Đền Hạ

Đến với đền Hạ và tham dự lễ hội văn hóa đặc sắc, du khách sẽ được nghe những câu chuyện lịch sử và huyền thoại xoay quanh ngôi đền như sự tích đền Hạ với 2 nàng công chúa trước cảnh đẹp nơi đây mà hiển hóa về trời cũng như những sự kiện mà đền Hà đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử. 

Lễ hội đền Hạ mang đậm nét tâm linh của người Việt, có giá trị cố kết cộng đồng cao, thể hiện lòng tôn kính đối với biểu tượng Mẫu thiêng liêng, nhắc nhở thế hệ sau cần có lòng tôn kính, biết ơn với cội nguồn dân tộc, đồng thời có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Khám phá Đền Hạ: Địa điểm lịch sử và tâm linh đặc biệt ở Việt Nam
Đền Hạ gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các địa điểm tham quan gần Đền Hạ

Khi đến thăm đền Hạ, du khách cũng có thể kết hợp tham quan các địa điểm du lịch khác cũng không kém phần đặc sắc. 

Các địa điểm di tích văn hóa, lịch sử gần Đền Hạ

Xung quanh đền Hạ còn có rất nhiều điểm đến thú vị mà bạn có thể cân nhắc như: 

  • Di tích Thành nhà Mạc: hay còn gọi là Thành cổ Tuyên Quang, là một công trình kiến trúc lịch sử độc đáo. Từ Thành nhà Mạc nhìn xuống có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan bờ sông Lô hữu tình. 
  • Quảng trường Nguyễn Tất Thành: chính là trung tâm vui chơi giải trí nổi tiếng tại tỉnh Tuyên Quang. Đây là điểm diễn ra các hoạt động chính trị, xã hội và văn hóa của tỉnh Tuyên Quang.  
  • Bảo tàng Tỉnh Tuyên Quang: là nơi lưu giữ, trưng bày các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phản ánh quá trình phát triển về mọi mặt của tỉnh này. 
Quảng trường Nguyễn Tất Thành cách đền Hạ 3km
Quảng trường Nguyễn Tất Thành cách đền Hạ 3km (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Những hoạt động trải nghiệm thú vị gần Đền Hạ

Khi đến với đền Hạ nói riêng và thành phố Tuyên Quang nói chung, các bạn có thể trải nghiệm rất nhiều hoạt động vui chơi, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây. 

Các bạn có thể đi tham quan Bảo tàng, Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang để lắng nghe, học hỏi, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Cũng có thể ghé qua Quảng trường Nguyễn Tất Thành để đua xe mô hình, câu cá, tô tượng…

Về ẩm thực, các bạn có thể thưởng thức thịt lợn đen ở chợ Tam Cờ, gỏi cá bỗng sông Lô, xôi ngũ sắc, bánh gai Chiêm Hóa… đều là những món ăn đặc sản nức tiếng xứ Tuyên. 

Thịt lợn đen Lăng Can nức tiếng xứ Tuyên
Thịt lợn đen Lăng Can nức tiếng xứ Tuyên (Ảnh: foodtourtuyenquang.vn)

Kinh nghiệm tham quan Đền Hạ

Tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây để chuyến đi đến đền Hạ của bạn được trọn vẹn nhất nhé! 

Thời gian lý tưởng để thăm Đền Hạ

Thời gian lý tưởng nhất để thăm Đền Hạ là thời điểm từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 2 âm lịch hàng năm. Vì đây là mùa lễ hội, các hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt sôi động và bạn có thể khám phá đền Hạ một cách trọn vẹn nhất. 

Lưu ý khi tham gia lễ hội tại Đền Hạ

Khi tham gia lễ hội và hành lễ tại đền Hạ, các bạn cần lưu ý một số điều như: 

  • Trang phục kín đáo, gọn gàng. 
  • Đi nhẹ, nói khẽ, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa tín ngưỡng.
  • Không sờ, chạm vào các hiện vật mà ban quản lý đền cấm.

Các phương tiện di chuyển đến Đền Hạ

Từ trung tâm Hà Nội, các bạn có thể di chuyển đến Đền Hạ bằng tuyến đường: đi đường Võ Chí Công đến đường Võ Nguyên Giáp, sau đó đi theo Đường cao tốc 05 ra Quốc lộ 2C và đến Thành phố Tuyên Quang, rồi di chuyển đến Đền Hạ. 

Để di chuyển thuận tiện nhất, các bạn nên ưu tiên đi xe ô tô cá nhân, xe taxi đưa đến tận nơi hoặc mua vé xe khách tuyến Hà Nội – Tuyên Quang tại bến xe Mỹ Đình. 

Nếu bạn muốn có cho mình một chuyến đi an toàn, thân thiện với môi trường, hãy thử trải nghiệm Xanh SM – dịch vụ di chuyển bằng xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. Với Xanh SM, bạn không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà có thể còn tận hưởng hành trình thoải mái, góp phần bảo vệ môi trường thêm xanh sạch.

Xanh SM là lựa chọn hoàn hảo để bạn tối ưu việc di chuyển
Xanh SM là lựa chọn hoàn hảo để bạn tối ưu việc di chuyển (Ảnh: Xanh SM)

Chỉ cần tải ứng dụng Xanh SM, đăng ký tài khoản trong vài bước đơn giản là bạn có thể dễ dàng đặt xe.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Đền Hạ – một trong những ngôi đền thờ Mẫu linh thiêng bậc nhất xứ Tuyên. Chúc bạn có một chuyến tham quan đầy ý nghĩa tại đền Hạ, tìm hiểu những nét đặc sắc của tín ngưỡng Thờ Mẫu và cầu bình an, tài lộc cho bản thân, gia đình. 

Xem thêm:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây