Chùa Giác Viên – Khám phá ngôi chùa cổ kính tại Quận 11

Chùa Giác Viên hay còn gọi là chùa Hố Đất, là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất và có giá trị lịch sử đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh. Với hơn 160 năm tồn tại, chùa không chỉ là nơi giữ gìn giá trị văn hóa tâm linh mà còn mang trong mình những nét kiến trúc độc đáo của Phật giáo Nam Bộ.

Giới thiệu tổng quan về chùa Giác Viên

Địa chỉ chùa Giác viên

Chùa Giác Viên tọa lạc tại số 161/85/20 Đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Vị trí thuận tiện gần trung tâm thành phố giúp ngôi chùa trở thành điểm đến tâm linh gần gũi với người dân địa phương và du khách gần xa.

Vị trí Chùa Giác Viên rất thuận tiện để du khách ghé thăm
Vị trí Chùa Giác Viên rất thuận tiện để du khách ghé thăm (Ảnh: Chốn Thiêng)

Lịch sử chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên được hình thành trong quá trình trùng tu chùa Giác Lâm vào năm 1798. Nguyên là khi chuyển gỗ từ rừng về để trung tu đã chọn bến Hồ Đất (vị trí ngày nay là chùa Giác Viên) làm nơi chứa gỗ. Để trông coi, thiền sư Tổ Tông – Viên Quang, cũng là trụ trì của chùa Giác Lâm đã chọn ông hương đăng xuống bến cất một cái nhà nhỏ, thỉnh tượng Phật Quan Âm, kinh tụng, chuông mõ, bàn ghế.

Dần cái nhà nhỏ trở thành cái am. Cứ mỗi sáng chiều ông hương đăng cũng công phu, đến tối lại trì kinh Tịnh Độ y như ở chùa. Về sau được sự thỉnh cầu của vị hương đăng, thiền sư Tổ Tông – Viên Quang cho xây dựng lên chùa bằng cây lá, đặt tên là Quan Âm viện.

Đến năm 1850, Tổ Tiên Giác – Hải Tịnh đổi tên Quan Âm viện thành chùa Giác Viên.

Chùa Giác Viên trải qua nhiều giai đoạn trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo
Chùa Giác Viên trải qua nhiều giai đoạn trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo (Ảnh: Chốn Thiêng)

Theo thời gian, chùa đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu và phát triển dưới sự lãnh đạo của các đời trụ trì.

  • Năm 1869: Thiền sư Hoằng Ân – Minh Khiêm làm trụ trì chùa Giác Viên, giảng dạy Kinh, Luận và ứng phú cho chư Tăng lục tỉnh đến học.
  • Năm 1898: Chùa được thiền sư Hoằng Ân – Minh Khiêm trùng tu lại. Đây là lần trùng tu lớn đầu tiên, kéo dài tận 3 năm, mở rộng mặt bằng diện tích chùa, chính điện cũng được xây lại.
  • Năm 1908: Chùa trùng tu thứ 2 do hòa thượng Như Phòng – Hoằng Nghĩa đảm trách.
  • Cuối thập niên 20 thế kỷ XX: hòa thượng Hồng Hưng – trụ trì chùa tiến hành trùng tu lần 3
  • Năm 1991: Trùng tu lần thứ 4, tôn tạo sửa chữa công trình Đông và Tây lang

Đặc biệt, vào năm 1993, chùa được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, đánh dấu vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo tại Việt Nam.

Kiến trúc và thiết kế

Phong cách kiến trúc chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên có cấu trúc tổng thể: cổng tam quan, chánh điện, nhà Trai đường, Đông lang, Tây lang,… Chùa có hai nếp nhà tứ trụ nối liền nhau. Trong đó, nếp nhà trước là chánh điện, nếp nhà sau là giảng đường và phòng khách. Hai dãy nhà Đông lang và Tây lang được nối với nhà chính, tạo nên không gian đối xứng.

Chùa Giác Viên được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển Nam Bộ
Chùa Giác Viên được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển Nam Bộ (Ảnh: Chốn Thiêng)

Chính điện được xây theo kiểu nhà dân gian truyền thống một gian, hai chái hay còn gọi là kiểu Mandala, thờ chư Phật và tổ.

Hành lang chánh điện gồm 8 cột gỗ và 8 cột bê tông, mỗi cột trang trí họa tiết phương Tây với 7 vòm vòng cung. Bộ sườn gỗ chạm trổ tinh vi là điểm nhấn đặc biệt, phản ánh kiến trúc cổ điển Nam Bộ. Bên trong có nhiều bao lam, hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, được chạm khắc tinh xảo với đa dạng hình dáng. Mái lợp ngói âm dương Lái Thiêu, trang trí tượng Tứ linh (long, lân, quy, phụng) bằng gốm sứ.

Khuôn viên chùa có nhiều dãy nhà phụ dành cho lớp học, trai đường và nhà bếp, kết hợp hài hòa giữa chức năng tâm linh và đời sống cộng đồng. Khu vực tháp mộ là nơi an nghỉ của các vị trụ trì qua các thời kỳ, tăng thêm giá trị tâm linh cho ngôi chùa.

Các công trình nổi bật

Cùng với kiến trúc đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều công trình và hiện vật mang giá trị lịch sử to lớn, đánh dấu quá trình truyền bá Phật pháp vào vùng đất ở Nam bộ.

Chùa lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, mang giá trị lịch sử cao
Chùa lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, mang giá trị lịch sử cao (Ảnh: Chốn thiêng)
  • Chánh điện thờ 120 pho tượng lớn nhỏ, đáng chú ý có thể kể đến như tượng A Di Đà, Bồ Tát Di Lặc, Quán Thế Âm, Thập Điện Diêm Vương và Thập Bát La Hán.
  • Bàn thờ Tổ có tượng chân dung ba vị trụ trì tiêu biểu, đóng góp nhiều công lao cho chùa như Tiên Giác – Hải Tịnh, Như Nhu – Chân Không và Như Phòng – Hoằng Nghĩa.
  • Bao lam Bá Điểu với chiều dài 3m, tái hiện thế giới loài chim đa dạng từ chim công, phụng đến chim sẻ, họa mi với mỗi tư thế khác nhau.
  • Bao lam Thập Bát La Hán mang tính nghệ thuật cao với hình ảnh sinh động, chạm khắc tinh xảo chi tiết mô tả 10 vị La Hán.
  • Một số công trình, hiện vật có giá trị nổi bật khác gồm bộ Sám bài bằng gỗ chạm nổi Ngũ Hiền, tấm bình phong Đề Thính tại bàn thờ Tổ, tượng Giám Trai bằng gốm cao 105cm, chế tác bởi Nam Hưng Xương năm 1880, chiếc giá võng do triều đình nhà Nguyễn tặng hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh và gốc mai cổ thụ.

Các hoạt động tâm linh

Nghi lễ và lễ hội

Chùa Giác Viên là nơi tổ chức thường xuyên các nghi lễ Phật giáo lớn, thu hút đông đảo Phật tử và du khách từ khắp nơi.

Lễ Phật Đản (Rằm tháng Tư âm lịch)

Lễ hội thường bao gồm các nghi thức tắm Phật, lễ rước Phật, tụng kinh Pháp Hoa, cùng với các buổi thuyết pháp về giáo lý từ bi và trí tuệ. Không gian chùa trong dịp này thường được trang trí rực rỡ với cờ Phật giáo, đèn lồng và hoa sen.

Chùa Giác Viên là thường xuyên tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo lớn
Chùa Giác Viên là thường xuyên tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo lớn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy âm lịch)

Trong lễ Vu Lan, Phật tử thực hiện nghi thức cúng dường Tam Bảo, cầu siêu cho vong linh tổ tiên và thân nhân đã khuất. Các buổi tụng kinh, thuyết pháp thường được tổ chức với sự tham gia của nhiều chư tăng và Phật tử.

Các hoạt động cúng bái thường kỳ

Chùa tổ chức các buổi lễ cúng rằm, mùng một hàng tháng, giúp Phật tử cầu an, cầu siêu và gieo duyên với Tam Bảo. Đây cũng là dịp để người dân địa phương tham gia các khóa tu ngắn hạn, học hỏi giáo lý Phật giáo và thực hành thiền định.

Những dịp lễ hội và cúng bái này không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn tạo cơ hội để cộng đồng giao lưu, gắn kết và tìm thấy sự bình an trong cuộc sống.

Vai trò trong cộng đồng

Chùa Giác Viên không chỉ là nơi tôn nghiêm để thực hành tín ngưỡng mà còn là trung tâm của nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng cộng đồng và lan tỏa tinh thần từ bi của đạo Phật.

Những khóa tu tại Chùa Giác Viên được nhiều phật tử lựa chọn
Những khóa tu tại Chùa Giác Viên được nhiều phật tử lựa chọn (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Phát triển giáo dục Phật giáo

Lớp học giáo lý cho thanh thiếu niên: chùa tổ chức các lớp học giáo lý nhằm giới thiệu và truyền đạt tư tưởng đạo đức Phật giáo đến thế hệ trẻ. Các lớp học này giúp các em học sinh, sinh viên hiểu thêm về giáo lý nhà Phật và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Khóa tu mùa hè: dành cho thanh thiếu niên, khóa tu giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, học cách thiền định, và nuôi dưỡng tâm hồn trong môi trường tĩnh lặng, an lành.

Khuyến học và học bổng: chùa cũng hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, động viên các em tiếp tục nỗ lực trên con đường học tập.

Hoạt động từ thiện

Phát quà và trợ giúp người nghèo: chùa thường xuyên tổ chức các đợt phát quà, cung cấp nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, mì gói, và quần áo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt vào các dịp lễ lớn như Vu Lan, Tết Nguyên Đán.

Hỗ trợ người bệnh và khuyết tật: các đoàn từ thiện do chùa tổ chức đến tận nơi hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, và người khuyết tật tại các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội, hoặc vùng sâu vùng xa.

Chùa Giác Viên là nơi tổ chức nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa
Chùa Giác Viên là nơi tổ chức nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bữa cơm miễn phí: vào những ngày nhất định, chùa mở bếp ăn từ thiện, phục vụ các suất cơm chay miễn phí cho người lao động nghèo và khách thập phương.

Kết nối với cộng đồng địa phương

Với tinh thần tương thân tương ái, Chùa Giác Viên không ngừng mở rộng sự gắn kết với cộng đồng. Những hoạt động từ thiện, giáo dục và văn hóa của chùa đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân TP. Hồ Chí Minh, biến nơi đây thành biểu tượng của lòng từ bi và trí tuệ, đồng thời thúc đẩy tình đoàn kết trong cộng đồng.

Hướng dẫn tham quan

Thời gian mở cửa

Chùa Giác Viên mở cửa đón du khách từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều hằng ngày. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để bạn tận hưởng không khí yên bình và tìm hiểu về kiến trúc chùa.

Chùa Giác Viên là địa điểm lý tưởng để tham quan và tận hưởng cảm giác bình yên
Chùa Giác Viên là địa điểm lý tưởng để tham quan và tận hưởng cảm giác bình yên (Ảnh: Chốn Thiêng)

Phương tiện di chuyển

  • Xe cá nhân: nếu di chuyển từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể đi theo tuyến đường Lạc Long Quân, quận 11. Đây là con đường dẫn thẳng đến vị trí của chùa tại số 161/85/20, phường 3. Sử dụng xe máy hoặc ô tô cá nhân rất thuận tiện, đặc biệt có thể gửi xe trong khu vực gần chùa với mức phí hợp lý.
  • Xe buýt: TP. Hồ Chí Minh có nhiều tuyến xe buýt kết nối đến quận 11. Bạn có thể tra cứu các tuyến phù hợp từ điểm xuất phát trên ứng dụng giao thông công cộng hoặc thông tin xe buýt của thành phố để chọn lộ trình tiết kiệm và dễ dàng.
  • Dịch vụ Xanh SM: nếu bạn muốn một chuyến đi thoải mái và thuận tiện hơn, hãy sử dụng dịch vụ đặt xe điện của Xanh SM. Với ứng dụng Xanh SM, bạn có thể đặt xe nhanh chóng và theo dõi lộ trình. Đừng quên vào mục Ưu đãi đặc biệt hoặc Mã giảm giá để kiểm tra các khuyến mãi áp dụng khi đặt xe. Tải ứng dụng Xanh SM ngay!
Thuận tiện và dễ dàng đặt xe của Xanh SM
Thuận tiện và dễ dàng đặt xe của Xanh SM (Ảnh: Xanh SM)

Chùa Giác Viên không chỉ là điểm đến văn hóa – tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu của TP. Hồ Chí Minh. Nếu bạn muốn tìm về một không gian thanh tịnh, yên bình giữa lòng đô thị náo nhiệt, đây chính là điểm đến hoàn hảo. Hy vọng Xanh SM sẽ được đồng hành cùng bạn trong nhiều chuyến hành trình khám phá ý nghĩa tại mảnh đất hình chữ S.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây