Chùa Hòe Nhai – Di tích tâm linh cổ kính với bức tượng phật độc đáo

Chùa Hòe Nhai là ngôi chùa cổ, chứa đựng nhiều giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và tâm linh. Ngôi chùa này còn được nhiều người biết đến vì có chứa một pho tượng độc nhất vô nhị “Vua cõng Phật” (hay còn gọi là Vua sám hối), gắn liền với những câu chuyện huyền bí. 

Khám phá Chùa Hoè Nhai – Ngôi chùa cổ linh thiêng tai Ba Đình 

Chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự) tương truyền được xây dựng từ thời Lý, là một trong những ngôi chùa cổ tiêu biểu của quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa tọa lạc tại số 19 Hàng Than, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội

Vị trí của chùa Hòe Nhai (Ảnh: Google Maps)
Vị trí của chùa Hòe Nhai (Ảnh: Google Maps)

Trải qua bao thăng trầm, chùa đã trở thành tổ đình Phật giáo miền Bắc, là nơi gắn liền với thiền phái Tào Động. Đây cũng là nơi xuất thân của nhiều Quốc sư, Tăng thống, Pháp chủ, đặc biệt là đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận. 

Ngày 21/1/1989, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. 

Chùa Hòe Nhai là tổ đình của Phật giáo miền Bắc
Chùa Hòe Nhai là tổ đình của Phật giáo miền Bắc (Ảnh: dulich.petrotimes.vn)

Khám phá câu chuyện lịch sử của Chùa Hoè Nhai Hồng Phúc Tự

Theo một số tư liệu lịch sử, chùa Hòe Nhai được xây dựng từ thời Lý (khoảng thế kỷ XI), tuy nhiên, giai đoạn cụ thể không được ghi rõ. Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của ngôi chùa này: 

  • Thời Lý: Chùa được thành lập và là một trong những cơ sở Phật giáo quan trọng thời kỳ này.
  • Năm 1687: Dưới thời Lê Trung Hưng, chùa Hòe Nhai xuống cấp nghiêm trọng. Sau đó, chùa được thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt đến trụ trì, tổ chức trùng tu quy mô lớn. Đây là cột mốc quan trọng giúp chùa trở thành trung tâm của thiền phái Tào Động tại miền Bắc.
  • Năm 1698: Nhờ sự công đức của Nguyễn Thị Phán (pháp hiệu Từ Dụ) – một ưu-bà-di từng làm bảo mẫu trong cung, chùa Hòe Nhai tiếp tục được mở rộng. Bà đã đứng ra quyên góp công đức từ thập phương để xây dựng thêm nhiều hạng mục trong chùa. 
  • Năm 1703: Văn bia khắc ghi thông tin về các đợt trùng tu trước đó, thể hiện vai trò quan trọng của chùa trong thời Lê Trung Hưng.
  • Năm 1899: Chùa được đại trùng tu thêm một lần nữa, củng cố kiến trúc và không gian thờ tự.
  • Năm 1989: Chùa Hòe Nhai được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21/1, khẳng định giá trị lịch sử và tâm linh của ngôi chùa.
Trải qua nhiều lần tu bổ, chùa Hòe Nhai hiện tại rất khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Trải qua nhiều lần tu bổ, chùa Hòe Nhai hiện tại rất khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Kiến trúc độc đáo của Chùa Hoè Nhai mang đậm nét cổ kính

Chùa Hòe Nhai không chỉ thu hút khách tham quan bởi lối kiến trúc cổ kính, khung cảnh yên bình, mà còn lưu giữ rất nhiều di vật có giá trị, mang đậm dấu ấn lịch sử. 

Về kiến trúc

Chùa Hòe Nhai được có địa thế đẹp, nằm trên một mảnh đất vuông diện tích khoảng 3.000m2, cửa hướng Tây, cổng Tam quan kiểu hoa biểu bốn trụ – đặc trưng điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Sân chùa có ba ngọn tháp, nổi bật là tháp Ấn Quang (xây dựng vào ngày 20/7/1963) để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Tháp Ấn Quang thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Tháp Ấn Quang thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nhìn tổng thể, chùa có kiểu thiết kế mang biểu tượng Mandala. Thượng điện vẫn còn lưu lại những bức chạm khắc tứ linh và cửa võng sơn son thếp vàng. Tiền đường có kiến trúc 2 tầng, 8 mái, với “y môn” của Phật điện và gian thờ phụ được trang trí tỉ mỉ. 

Ngoài ra, chùa thiết kế theo kiểu “nội công, ngoại quốc,” gồm tiền đường, chính điện 9 gian, nhà tổ phía sau và dãy nhà bao quanh tạo thành khối kiến trúc khép kín. Góc mái cong đắp hình linh thú, gợi cảm giác thoát tục và đề cao Phật pháp. 

Góc mái cong mềm mại mang cảm giác thoát tục (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Góc mái cong mềm mại mang cảm giác thoát tục (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bên trong chùa có tượng Phật tọa thiền trên tòa sen, tạo không gian thiền tĩnh lặng. Hệ thống 68 bức tượng được chế tác từ gỗ quý, đất nện và đồng hun, sắp xếp mang ý nghĩa nhân quả và hạnh tu sâu sắc.

Tượng có chất liệu đa dạng từ gỗ quý, đất nện, đồng hun (Ảnh: vnexpress.net)
Tượng có chất liệu đa dạng từ gỗ quý, đất nện, đồng hun (Ảnh: vnexpress.net)

Về mỹ thuật

Chùa Hòe Nhai lưu giữ nhiều hoành phi thời trung đại như “Thiên Long Hiến Thụy” (trời rồng hiện điềm tốt) và “Công mạc trắc” (công đức không thể đo lường). Bàn thờ Đức Ông được đặt bên phải, khác biệt so với các chùa khác. 

Phía hậu cung bên phải là bàn thờ Quán Âm Tống Tử, hai bên là hai Thiên Vương với tạo hình vua chúa, mang đậm nét văn hóa Việt, bên trên là bức hoành phi “Quần sinh phổ lợi” (lợi ích cho tất cả chúng sanh). Hai bên hậu cung điện Phật thờ Thập điện Diêm Vương, dùng hình tượng ẩn dụ cõi ngục nhằm răn đe và nhắc nhở con người tránh làm điều ác. 

Chùa Hòe Nhai lưu giữ nhiều bức hoành phi (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Chùa Hòe Nhai lưu giữ nhiều bức hoành phi (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Về di vật cổ

Hiện tại, chùa Hòe Nhai vẫn còn lưu giữ rất nhiều di vật cổ có giá trị lịch sử, nghệ thuật như:

  • Khánh đồng: cao 1m, rộng 1,5m, được đúc từ năm Long Đức thứ 3 (1734) đời vua Lê Thuần Tông
  • Trống đồng: đúc vào thời vua Tự Đức (1848-1883) nhà Nguyễn 
  • Bia đá: có 28 tấm bia, trong đó tấm bia cổ nhất dựng vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703)
  • Tượng cổ: tượng Cửu Long, bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh, bộ tượng Dược Sư Tam Tôn bao gồm Phật Dược Sư, Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát. Điểm đặc biệt ở các tượng này là đều có tạo hình không tóc như một nhà sư. Ngoài ra còn có bức tượng “Vua cõng Phật” – một tác phẩm cực kỳ độc đáo trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. 
  • Tháp Ấn Quang: được xây vào năm 1963 thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã vị pháp vong thân
Bia Chính Hòa thứ 24 là tấm bia đá cổ nhất tại chùa (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Bia Chính Hòa thứ 24 là tấm bia đá cổ nhất tại chùa (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khám phá bức tượng “Vua cõng Phật” trứ danh ở chùa Hoè Nhai

Bức tượng “Vua cõng Phật” tại chùa Hòe Nhai là tác phẩm độc đáo trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bức tượng “Vua cõng Phật” cao hơn 3m, đặt bên trái chánh điện, với tượng Phật ngồi từ bi và vua quỳ phía dưới thể hiện sự ăn năn. 

Tượng mang phong cách Đại Việt cuối thế kỷ XVII – đầu XVIII, được sơn son thếp vàng. Một số chỗ trên bề mặt tượng đã bong tróc do thời gian.

Bức tượng “Vua cõng Phật” độc nhất vô nhị tại chùa (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Bức tượng “Vua cõng Phật” độc nhất vô nhị tại chùa (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Theo tư liệu của chùa Hòe Nhai và Ban quản lý di tích Hà Nội, tượng xuất phát từ đời vua Lê Hy Tông (1662-1716). Thời kỳ này, Phật giáo ít ảnh hưởng đến triều chính, trong khi Nho giáo lại phát triển mạnh mẽ và có phần bài xích Phật giáo.

Khi vua Lê Hy Tông nhận được tâu sớ của các quan về những sai phạm của Tăng lữ, ông đã hạ lệnh đuổi chư Tăng, yêu cầu Tăng sĩ hoàn tục hoặc phải lên rừng núi. Sắc lệnh này đã khiến nhiều ngôi chùa bị bỏ hoang và Phật giáo rơi vào thảm cảnh cùng cực. Đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của Phật giáo Việt Nam.

Sắc lệnh của vua Lê Hy Tông đã khiến Phật giáo rơi vào khó khăn (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Sắc lệnh của vua Lê Hy Tông đã khiến Phật giáo rơi vào khó khăn (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trước sự kiện bất công này, danh tăng Chân Dung Tông Diễn (còn gọi là Tổ Cua) tại Thăng Long đã cố gắng dùng lý lẽ để vua Lê Hy Tông hiểu đúng vai trò của Phật giáo. Tông Diễn cải trang làm người dân thường và dâng ngọc chứa sớ nhằm giải bày cho vua hiểu về giá trị của Phật giáo. 

Sau khi nghe tấu trình, vua Lê Hy Tông thay đổi thái độ, rút lại quyết định bất công đã ban hành với Tăng sĩ. Vua còn đề nghị tạo hình bức tượng “vua sám hối” – vua quỳ cõng Phật Thích Ca Mâu Ni, thể hiện sự tôn kính và quy y Tam bảo.

Đế của bức tượng là hình ảnh vua đang quỳ gối sám hối (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Đế của bức tượng là hình ảnh vua đang quỳ gối sám hối (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bức tượng thể hiện sự sám hối và tu sửa của vua Lê Hy Tông. Theo Phật giáo, sám hối là cải đổi hành vi, không tái phạm, nhằm trở nên tốt hơn. Trong triết học Phật giáo là chính sửa đổi và không dùng sự tàn nhẫn, thể hiện một cách “cai trị” không cần vũ trang, mang lại sự hoà bình và thương yêu.

Lễ hội & tín ngưỡng nổi bật tại Chùa Hoè Nhai

Chùa Hòe Nhai hiện tại được tu bổ khang trang, sạch đẹp và là điểm thu hút người dân cũng như du khách thập phương, nhất là trong ngày rằm hoặc mồng một, vào dịp đầu xuân năm mới và những ngày lễ, tết.

Đặc biệt, hàng năm, vào dịp lễ Phật Đản, tại chùa Hòe Nhai tổ chức nhiều nghi lễ phật giáo trang trọng và linh thiêng thu hút hàng nghìn lượt khách đến lễ phật, vãn cảnh chùa. 

Những nghi thức trang trọng diễn ra trong Lễ Phật Đản (Ảnh: phatgiaohanoi.vn)
Những nghi thức trang trọng diễn ra trong Lễ Phật Đản (Ảnh: phatgiaohanoi.vn)

Một số di tích văn hóa gần chùa Hoè Nhai

Xung quanh khu vực chùa Hòe Nhai còn có rất nhiều các điểm tham quan, khu di tích mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến. 

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cách chùa Hòe Nhai chỉ khoảng 2km. Cột cờ được xây dựng dưới triều vua Gia Long, có tuổi đời hơn 200 năm với thiết kế độc đáo hình lục giác, có ba tầng đế và một thân cột.

Cột cờ Hà Nội là điểm đến check-in quen thuộc của nhiều khách du lịch (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Cột cờ Hà Nội là điểm đến check-in quen thuộc của nhiều khách du lịch (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trên đỉnh cột là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng quen thuộc tung bay phấp phới, và có thể quan sát toàn cảnh thành phố từ vị trí này. Đây là một trong những điểm đến quen thuộc để mọi người đến tham quan, check-in và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của đất nước.  

Đền Voi Phục

Đền Voi Phục, một trong Thăng Long tứ trấn, nằm trên đường Kim Mã, cách chùa Hòe Nhai khoảng 6km và ngay sát công viên Thủ Lệ. Ngôi đền là biểu tượng tâm linh gắn liền với lịch sử của kinh thành Thăng Long, mang một vẻ đẹp cổ kính cùng không gian rộng rãi, yên tĩnh và rợp bóng cây xanh.

Đền Voi Phục có khuôn viên rộng, mang nét đẹp cổ kính (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Đền Voi Phục có khuôn viên rộng, mang nét đẹp cổ kính (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đền Voi Phục là nơi người dân và khách tham quan thường lui tới để vãn cảnh, cầu sức khỏe, bình an, tài lộc và may mắn trong cuộc sống. Vào những dịp đầu năm hoặc các ngày lễ Tết, đền thu hút đông đảo du khách tới tham quan và lễ bái. 

Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long nằm cách chùa Hòe Nhai khoảng 2km, là điểm tham quan nổi bật mang đậm giá trị lịch sử của thủ đô Hà Nội. Hoàng thành mang giá trị văn hóa đặc biệt với hệ thống các di tích như Cột cờ Hà Nội, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu cùng các khu khảo cổ học dưới lòng đất. 

Đến với Hoàng thành, du khách còn được trải nghiệm các sự kiện văn hóa truyền thống như triển lãm nghệ thuật, trình diễn ca múa nhạc và các lễ hội dân gian.

Hoàng thành Thăng Long mang đậm dấu ấn của các triều đại trong lịch sử Việt Nam (Ảnh: sưu tầm Internet)
Hoàng thành Thăng Long mang đậm dấu ấn của các triều đại trong lịch sử Việt Nam (Ảnh: sưu tầm Internet)

Lăng Bác

Lăng Bác cách chùa Hòe Nhai khoảng 3,5km, nằm tại Quảng trường Ba Đình, mang một vẻ đẹp uy nghiêm biểu tượng cho lòng tôn kính và biết ơn của nhân dân đối với Bác Hồ. Khi đến Lăng Bác, du khách sẽ được ngược dòng lịch sử tìm hiểu về quá khứ hào hùng, cuộc đời và con người của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng Bác là một quần thể với kiến trúc thống nhất với Quảng trường Ba Đình phủ Chủ tịch, ao cá Bác Hồ, khu nhà sàn. Đến đây, du khách cũng có thể tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý giá về Bác, hay ghé thăm chùa Một Cột – một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và thú vị. 

Lăng Bác nằm uy nghiêm trên Quảng trường Ba Đình (Ảnh: baochinhphu.vn)
Lăng Bác nằm uy nghiêm trên Quảng trường Ba Đình (Ảnh: baochinhphu.vn)

Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Hoè Nhai

Chùa Hòe Nhai nằm ngay trên con phố Hàng Than, quận Ba Đình, trong khu vực trung tâm thành phố, nên rất thuận tiện để di chuyển. Bạn có thể chọn đến đây bằng phương tiện cá nhân, xe bus hoặc đặt xe công nghệ. 

Di chuyển tự túc bằng xe máy

Di chuyển tự túc bằng xe máy đến chùa tương đối đơn giản và dễ đi, đồng thời giúp bạn chủ động về thời gian. Hãy sử dụng Google Maps để tìm lộ trình di chuyển nhanh chóng, hạn chế tắc đường và nhớ đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. 

Có thể gửi xe máy tại cổng hoặc khu vực xung quanh chùa (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Có thể gửi xe máy tại cổng hoặc khu vực xung quanh chùa (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Di chuyển bằng xe bus 

Xe bus là một lựa chọn khá thú vị và tiết kiệm để di chuyển đến chùa Hòe Nhai. Các chuyến xe bus có tuyến đường đi qua khu vực chùa bao gồm: 01, 08A, 43, 22A, 24, 47A, E09. Giá vé xe bus hiện nay có tăng nhẹ so với trước, dao động từ 8.000 – 20.000 VNĐ/lượt tùy vào từng chuyến xe. 

Di chuyển bằng xe điện Xanh SM

Với hệ thống xe điện hiện đại và không khí thải, đội ngũ tài xế thân thiện, lịch sự, Xanh SM mang đến cho bạn trải nghiệm di chuyển an toàn, thoải mái và tiết kiệm tối ưu. Bên cạnh đó, dịch vụ luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, giúp bạn dễ dàng và nhanh chóng đặt xe. 

Chỉ với vài thao tác trên ứng dụng Xanh SM, bạn có thể thanh toán linh hoạt qua ví điện tử hoặc tiền mặt. Nếu cần hỗ trợ ngay lập tức, hãy gọi đến hotline 1900 2088 để được phục vụ nhanh chóng. 

Tùy thuộc vào nhu cầu và số lượng người, bạn có thể lựa chọn đi xe 2 bánh hay ô tô 4 chỗ hoặc 7 chỗ. Đừng quên để lại 1 đánh giá 5 sao và lời khen cho tài xế nếu bạn có những trải nghiệm tốt với chuyến đi.

Tải app Xanh SM để di chuyển thuận tiện hơn (Ảnh: Xanh SM)
Tải app Xanh SM để di chuyển thuận tiện hơn (Ảnh: Xanh SM)

Một số lưu ý cần biết khi tham quan Chùa Hoè Nhai Hồng Phúc Tự

Khi tham quan chùa Hòe Nhai Hà Nội, du khách nên lưu ý một số điều sau:

  • Trang phục: Nên mặc trang phục kín đáo, lịch sự, hợp với hoàn cảnh và hợp thuần phong mỹ tục khi đến tham quan và lễ bái tại chùa Hòe Nhai. 
  • Cách ứng xử và giao tiếp: Không gian chùa là nơi linh thiêng, yên tĩnh, nên cần nói chuyện nhỏ nhẹ, đi lại từ tốn, tránh gây ồn ào làm ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của chùa.
  • An ninh: Vào ngày lễ hoặc những ngày đầu tháng, ngày rằm, khách đến chùa thường khá đông. Bạn nên chú ý bảo vệ tư trang cá nhân, tránh mang theo đồ có giá trị lớn và đề phòng kẻ gian trộm cắp. 
  • Một số lưu ý khác: Khi đến chùa Hòe Nhai, không nên đem theo thú cưng, không ăn uống và xả rác bừa bãi trong khu vực khuôn viên chùa. 
Cần ăn mặc lịch sự và ứng xử phù hợp khi đến chùa (Ảnh: phattuvietnam.net)
Cần ăn mặc lịch sự và ứng xử phù hợp khi đến chùa (Ảnh: phattuvietnam.net)

FAQ – Mọi người cùng hỏi về Chùa Hoè Nhai

Là du khách tham quan, khi đến chùa Hòe Nhai, chắc hẳn đa số mọi người sẽ đều có những câu hỏi, thắc mắc xung quanh ngôi chùa này. 

Chùa Hoè Nhai thờ ai?

Như hầu hết các ngôi chùa, chùa Hòe Nhai thờ Tam Bảo (Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các vị Phật, Bồ Tát, Đức Ông (Hộ pháp), Quán Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thập Điện Diêm Vương. 

Ngoài ra, chùa cũng là nơi tưởng niệm các vị thiền sư, trong đó có thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt, tổ khai sáng chùa cùng các vị Quốc sư, Tăng thống, Pháp chủ đã từng tu hành tại đây.

Ý nghĩa của bức tượng Vua cõng Phật

Bức tượng vua cõng Phật thể hiện tinh thần sám hối, tu sửa, đồng tời tôn vinh triết lý Phật giáo trong việc chuyển hóa lỗi lầm, góp phần xây dựng đời sống tốt đẹp hơn. 

Chùa Hoè Nhai có tên gọi khác là gì?

Chùa Hòe Nhai còn có tên gọi khác là Hồng Phúc Tự. 

Giữa lòng Hà Nội nhộn nhịp, chùa Hòe Nhai vẫn giữ nguyên dáng vẻ uy nghiêm và nét trầm mặc của một chứng nhân lịch sử. Trải qua bao thăng trầm, ngôi chùa vẫn bền bỉ tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định vị thế của một tổ đình khởi nguồn cho thiền phái Tào Động – một dòng thiền lớn của Phật giáo Việt Nam.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây