Tổng hợp kinh nghiệm đi du lịch chùa Hương từ A – Z

Chùa Hương được biết đến là một vùng đất linh thiêng với cảnh quan tuyệt đẹp và lối kiến trúc độc đáo. Chỉ cách trung tâm Hà Nội 2 tiếng đi xe, chùa Hương là địa điểm tuyệt vời để du ngoạn và lễ Phật. Cùng Xanh SM khám phá di tích tâm linh đặc biệt này!

Giới thiệu chung về chùa Hương

Chùa Hương là một ngôi chùa rất nổi tiếng ở miền Bắc, tuy nhiên, rất nhiều du khách vẫn chưa rõ chùa Hương ở tỉnh nào. Chùa Hương hay còn có tên gọi khác là chùa Hương Sơn. Chùa tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 50km. Không chỉ là điểm đến tâm linh nổi tiếng, chùa Hương còn mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hoá ý nghĩa.

Vị trí của Chùa Hương trên bản đồ (Ảnh: Google Maps)

Lịch sử hình thành của chùa Hương

Chùa Hương được khởi công vào Thế kỷ 17 (năm 1686) dưới thời vua Lê Huy Tông, do Thiền sư Trần Đạo Viên Quang chủ trì xây dựng. Theo sử liệu, ban đầu nơi đây là một địa điểm tu hành gắn với cảnh sắc thiên nhiên linh thiêng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Hương đã bị bom đạn tàn phá nặng nề. Vào năm 1988, chùa được trùng tu lại dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Viên Thành, giúp phục hồi vẻ đẹp và giá trị lịch sử vốn có. 

Theo sự tích chùa Hương, các công trình chính của chùa như Thiên Trù, động Hương Tích và nhiều khu vực phụ trợ khác đều được xây dựng lại, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Hình ảnh Chùa Hương năm 1927 (Ảnh: Báo Lao Động)

Giá trị văn hóa – lịch sử  của ngôi chùa

Chùa Hương hiện nay là một trong những quần thể di tích Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Đây đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của đất nước.

Chùa Hương đã chứng kiến nhiều biến cố lớn trong lịch sử của dân tộc ta, đặc biệt là thời kỳ phong kiến và kháng chiến. Quần thể chùa Hương không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một biểu tượng của sự kiên cường và bền bỉ của người dân Việt Nam qua các thời kỳ bảo vệ Tổ quốc.

Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất Việt Nam được tổ chức thường niên. Lễ hội thể hiện rất rõ nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng và nhiều truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.

Hình ảnh lễ hội chùa Hương  – một trong những lễ hội quy mô nhất cả nước (Ảnh: Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch)

Bên cạnh các giá trị tâm linh, Chùa Hương còn nổi tiếng với sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến trúc cổ kính và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tạo nên một không gian tôn nghiêm, thanh tịnh với trải nghiệm kỳ thú. Nơi đây cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc trong Phật giáo. Tất cả những yếu tố này đều làm cho Chùa Hương trở thành một di sản văn hóa và lịch sử ý nghĩa của đất nước.

Những trải nghiệm thú vị khi du lịch chùa Hương  

Không chỉ dừng lại ở hoạt động tâm linh, về với chùa Hương với nhiều người Việt còn là hành trình chiêm bái đức Phật kết hợp du ngoạn, thưởng lãm thẳng cảnh đất và người nơi đây với vô vàn hoạt động thú vị.

Chiêm bái các kiến trúc độc đáo

Khi tham quan Chùa Hương, du khách sẽ được tận hưởng một không gian thanh tịnh, linh thiêng và chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của đền thờ, chùa chiền và tượng phật. Dưới đây là các điểm đến độc đáo không thể bỏ lỡ tại chùa Hương:

Bến Đục – Suối Yến

Bến Đục là nơi quý khách bắt đầu hành trình trẩy hội bằng thuyền, xuôi theo dòng Suối Yến thơ mộng, uốn lượn quanh co giữa hai bên là núi non hùng vĩ.

Suối Yến dài khoảng 3km, nước trong xanh như ngọc bích, soi bóng những dãy núi đá vôi trùng điệp, tạo nên cảnh sắc non nước hữu tình. Hai bên bờ suối là những hàng cây xanh mát, điểm xuyết những đền chùa cổ kính, tạo nên một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.

Suối Yến – khung cảnh non nước hữu tình, trải nghiệm thú vị bậc nhất trong hành trình chiêm bái 
(Ảnh: Sưu tầm)

Đền Trình chùa Hương

Đền Trình hay còn có tên gọi khác là Đền Thượng Quang. Đền nằm cách bến Đục khoảng 300m. Đền Trình, một ngôi đền cổ kính nằm nép mình bên sườn núi. Theo truyền thống, đây là nơi du khách dừng chân đầu tiên để “trình diện” với Đức Phật và các vị thần linh trước khi vào chốn Phật môn thanh tịnh.

Không gian xung quanh đền tĩnh lặng, thoáng đãng, hòa quyện với thiên nhiên núi rừng, tạo cảm giác thanh tịnh, an yên cho du khách.

Đền Trình chùa Hương – ngôi chùa cổ kính nằm nép mình bên sườn núi (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Thiên Trù – “biệt chiếm nhất nam thiên”

Tọa lạc ngay trên thềm núi Lão, du khách mất khoảng 40 phút để đi từ bến đò vào chùa Thiên Trù. Được ví như lâu đài nguy nga, tráng lệ nhất trời nam. Chùa Thiên Trù tọa lạc trên sườn núi Lão, được bao bọc bởi rừng cây xanh mát. Ngôi chùa nổi bật với lối kiến trúc độc đáo, hài hòa với thiên nhiên, mang đậm dấu ấn thời Lê.

Động Hương Tích

Động Hương Tích được coi là một trong những điểm đến được quan tâm nhất tại chùa Hương bởi nơi đây có chùa Trong, hay còn gọi là chùa Hương. Nhìn từ xa, hang động trông giống như hình một con rồng đang mở miệng. 

Cổng vào Động Hương Tích được người dân liên tưởng như miệng rồng đón ngọc  (Ảnh: Sưu tầm)

Đi sâu vào bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức tượng Phật, Quán Thế Âm và các vị thần Phật khác được chế tác từ đá xanh tinh xảo. Trong đó, tượng Phật Bà Quan Âm là ấn tượng nhất. 

Động Hương Tích còn nổi tiếng với nhiều thạch nhũ to nhỏ với hình dáng kỳ diệu. Trong đó, hòn thạch nhũ lớn nhất được gọi là Đụn Gạo giống như một chiếc lưỡi trong rồng. 

Nhũ đá trong Động Hương Tích – một trong những hang động đẹp bậc nhất cả nước (Ảnh: Sưu tầm)

Du khách có thể đến Động Hương Tích bằng hai cách: leo núi hoặc đi cáp treo. Với những ai chọn leo núi, hành trình đòi hỏi sức khỏe và thể lực tốt, bởi bạn sẽ phải vượt qua hàng nghìn bậc đá dốc cao trong khoảng một giờ. Nếu muốn nhẹ nhàng hơn, cáp treo là lựa chọn lý tưởng, vừa tiết kiệm sức lực, vừa ngắm cảnh thiên nhiên từ trên cao.

Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan được xây dựng trên tuyến đường dẫn đến động Hương Tích, nằm trên núi Long Tuyền, cách động khoảng 2,5km. Trong chùa có giếng thiên Thanh Trì với dòng nước trong, không bao giờ cạn và được tương truyền đây là nơi Phật Bà Quan Âm tắm để tẩy bụi trần, nghỉ ngơi trước khi vào cõi Phật.

Chùa Giải Oan – nơi có dòng suối kỳ lạ quanh năm không bao giờ cạn (Ảnh: Chùa Hương) 

Động Long Vân

Từ bến Long Vân, du khách cần leo lên độ cao khoảng 150m để đến được chùa Long Vân. Động có không gian rộng rãi, thoáng mát và dễ chịu, tạo cảm giác thư thái để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên và sự tĩnh lặng nơi chốn tâm linh.

Động Long Vân chùa Hương (Ảnh: Tìm Tour)

Động Tuyết Sơn – Kỳ Sơn tú thủy

Đường vào động Tuyết Sơn tuy có nhiều đoạn lên xuống và khá gồ ghề nhưng hai bên đường là hai vườn mơ ngát hương rất đẹp, đặc biệt là vào mùa xuân. Động ở ngang lưng chừng núi, từ trên nhìn xuống hay nhìn ra xa rất đẹp và nên thơ. 

Bên trong động có nhiều nhũ đá đẹp được tạo tác hình dáng độc đáo. Có những vùng nhũ đá quấn lại với nhau trông giống như một ổ rồng đầy bí ẩn và cuốn hút.

Động Tuyết Sơn (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị)

Hang động được chia thành hai nhánh chính. Một nhánh là Tam Bảo, nơi thờ Phật, nổi bật với khối thạch nhũ mang hình dáng cây Trường Tuyết. Trên vách đá còn có bức tượng phù điêu khắc họa Quận chúa Ngọc Hương với vẻ mặt hiền từ và nhân hậu. 

Nhánh động còn lại là nơi đặt điện thờ Mẫu, có tượng các cô, các cậu bằng đá. Trong những năm gần đây, nhà chùa đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân để từng bước xây dựng và phát triển quần thể này, làm nổi bật vẻ đẹp “kỳ sơn tú thủy” của khu vực.

Chùa Thanh Sơn – ngôi chùa cổ 300 năm tuổi ẩn mình tại Hương Sơn

Chùa Thanh Sơn – một công trình kiến trúc cổ kính hơn 300 năm tuổi, nằm yên bình giữa vùng núi non thơ mộng của Hương Sơn, Hà Nội. Ngôi chùa mang vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam, với mái ngói cong, cột gỗ chạm trổ tinh xảo và khung cảnh hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Chùa Thanh Sơn sở hữu hai lối vào độc đáo, từ phía sông và phía núi. Từ trong bước ra, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. 

Chùa Thanh Sơn (Ảnh: VietSense Travel)

Chùa Thanh Sơn là một công trình tiêu biểu thể hiện đậm nét văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Nơi đây không chỉ thờ Phật và Bồ Tát mà còn thờ Mẫu, Thánh và Thần, tạo nên sự hòa quyện độc đáo giữa các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Chính sự phối thờ hài hòa này giúp chùa Thanh Sơn trở thành điểm đến ý nghĩa trên bản đồ tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của du khách và phật tử gần xa.

Tham gia lễ hội tâm linh lớn nhất và kéo dài nhất Việt Nam tại chùa Hương dịp đầu năm

Lễ hội chùa Hương được xem là một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất miền Bắc và có thời gian kéo dài nhất ở Việt Nam, từ ngày 6 tháng Giêng đến ngày 6 tháng 3 Âm lịch. Trong đó, phần hội chính diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 2 Âm lịch.

  • Lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Bao gồm các nghi thức dâng hương, lễ rước, lễ tế được tổ chức trang nghiêm tại các đền, chùa, động trong khu di tích.
  • Phần hội chính diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động sôi nổi như hát chèo, hát văn, biểu diễn võ thuật, trò chơi dân gian…
  • Hoạt động trải nghiệm, khám phá trong hành trình trẩy hội là hành trình đi thuyền trên suối Yến, viếng thăm các đền, chùa, động trong quần thể di tích, đặc biệt là Động Hương Tích.
Lễ hội chùa Hương vào tháng 2 Âm Lịch (Ảnh: Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch)

Lễ hội chùa Hương không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính mà còn là sự kiện văn hóa, tâm linh đặc sắc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

Hàng triệu người tới tham gia lễ hội Chùa Hương mỗi năm (Ảnh: Báo Điện từ Chính Phủ)

Đi cáp treo thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp

Thông thường, khách tham quan thường chọn đi cáp treo đến động Hương Tích thay vì đi bộ để tiết kiệm thời gian và sức lực. Hành trình đến cổng động Hương Tích bằng cáp treo chỉ mất khoảng 10–15 phút. 

Ngồi trong cabin, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp từ trên cao, với núi rừng xanh bạt ngàn, những ngôi chùa và đình cổ kính điểm xuyết dọc đường, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy thu hút.

Đi cáp treo ở chùa Hương (Ảnh: VNExpress)

Hướng dẫn di chuyển đến chùa Hương

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển khác nhau để tới chùa Hương như:

  • Di chuyển bằng xe máy: Khoảng cách từ trung tâm thành phố đi chùa Hương chỉ khoảng 50km, do vậy, xe máy là một lựa chọn tiện lợi và khá thoải mái. Bạn có thể tự do di chuyển theo lịch trình của riêng mình và ghé thăm một số địa điểm khác nếu muốn. 
  • Di chuyển bằng xe buýt: Du khách có thể tham khảo xe buýt số 103 chạy từ Bến xe Mỹ Đình đến Chùa Hương và chiều ngược lại. Xe hoạt động từ 5:00 đến 20:00 hàng ngày với tần suất 15 phút mỗi chuyến. Giá vé là 9.000 VNĐ cho một lượt đi. Tuy nhiên, nếu bạn đi vào mùa cao điểm, rất có thể xe buýt sẽ khá đông, đôi khi bạn sẽ phải đứng và không có chỗ ngồi. 
  • Di chuyển bằng xe công nghệ: Một lựa chọn khác thuận tiện và thoải mái hơn đó là đặt xe qua Xanh SM – dịch vụ đặt xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Nếu bạn đi cùng gia đình hoặc đi theo nhóm bạn, Xanh SM Taxi sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn  hay loại xe ô tô điện hoặc xe máy điện tuỳ theo nhu cầu của mình. 
Đặt xe thuận tiện cùng Xanh SM (Ảnh: Xanh SM)

Kinh nghiệm khi đi tham quan Chùa Hương

Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp chuyến đi thuận tiện hơn:

Thời điểm lý tưởng để đi chùa Hương

Với thời tiết nóng bức vào mùa hè đặc trưng của miền Bắc, du khách có thể lựa chọn một trong những khoảng thời gian lý tưởng dưới đây:

  • Tháng 1 và tháng 2 âm lịch: Đây là mùa lễ hội lớn nhất trong năm của cả nước, lượng du khách đổ về Chùa Hương rất đông. Đặc biệt, từ tháng Giêng đến giữa tháng Hai cũng là thời điểm diễn ra lễ hội chùa Hương nên sẽ có rất nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa diễn ra.
  • Tháng 3 âm lịch: Đây cũng là một thời điểm lý tưởng vì khi này hoa gạo nở đỏ rực bên bờ suối Yến. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp đẹp nhất trong năm.
  • Tháng 9 – 12 âm lịch: Đây cũng là một khoảng thời gian lý tưởng để chiêm bái Chùa Hương. Không gian thanh bình, thời tiết dễ chịu và khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm trọn vẹn khi lễ chùa và ngắm cảnh.
Một góc quần thể chùa Hương nhìn từ trên cao (Ảnh: Chùa Hương)

Giờ mở cửa và giá vé tham quan di tích chùa Hương

Bên cạnh chi phí di chuyển, bạn cũng cần tham khảo một số chi phí cơ bản khi tới thăm chùa Hương bao gồm:

Vé vào cổng tham quan: 

Vé tham quan thắng Cảnh trong khu vực Chùa Hương gồm 21 điểm tham quan là 80.000VNĐ/người.

Vé đò tham quan: 

  • Vé đò từ Đền Trình – Chùa Thiên Trù – động Hương Tích là 50.000VNĐ/người/2 chiều.
  • Vé đò từ Tuyết Sơn đến Long Vân là 35.000VNĐ/người/2 chiều

Vé cáp treo lên động Hương Tích:

  • Người lớn: 120.000VNĐ/vé/chiều; 180.000VNĐ/vé khứ hồi.
  • Trẻ em: 90.000VNĐ/vé/chiều; 120.000VNĐ/vé khứ hồi.

*** Chú ý: Giá vé được cập nhật ở thời điểm tháng 12/2024. Giá vé có thể thay đổi tùy từng thời điểm, theo chính sách về giá vé tại địa phương. Quý khách vui lòng tham khảo trên trang website chính thức: chùa hương để cập nhật giá vé.

Ngồi đò vãn cảnh tại chùa Hương (Ảnh: Tạp chí Du lịch)

Một số lưu ý cần nhớ khi tham quan chùa Hương

Để có một chuyến du ngoạn chùa Hương thuận lợi nhất, các bạn nên chú ý một số điều quan trọng sau đây:

  • Lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo: Khi đến chùa, du khách hãy mặc trang phục lịch sự và kín đáo để thể hiện sự tôn trọng đối với không gian linh thiêng.
  • Chọn giày dép thoải mái: Chọn giày thể thao hoặc giày thoải mái để dễ dàng di chuyển, đặc biệt là trên các đoạn đường núi gập ghềnh.
  • Thắp nhang đúng cách: Hạn chế thắp quá nhiều nhang, chỉ nên thắp một nén nhang tại lư hương đặt bên ngoài để tránh gây ô nhiễm và giữ gìn môi trường chùa.
  • Mua sắm cẩn thận: Cẩn trọng với các loại thuốc nam được bày bán dọc đường. Khi mua các sản phẩm đóng hộp như bánh củ mài, bánh rau sắng, hãy kiểm tra kỹ hạn sử dụng để đảm bảo an toàn.
Quần thể chùa Hương nhìn từ trên cao (Ảnh: Thời báo Đông Nam Á)

FAQs – Du khách cũng hỏi về chùa Hương

Chùa Hương ở đâu?

Hiện nay, chùa Hương tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, cách Hà Nội khoảng 2 tiếng lái xe.

Leo chùa Hương bao nhiêu km?

Tổng quãng đường leo núi ở chùa Hương là khoảng 5km, du khách có thể lựa chọn đi bộ hoặc đi cáp treo để tiết kiệm thời gian, sức lực.

Chi phí đi chùa Hương là bao nhiêu?

  • Giá vé vào cổng tham quan: 80.000 VNĐ/người
  • Giá vé cáp treo khứ hồi: Người lớn: 220.000 VNĐ/người, Trẻ em: 150.000 VNĐ/người.
  • Giá vé cáp treo một lượt: Người lớn: 150.000 VNĐ/người, Trẻ em: 100.000 VNĐ/người.

Tổng kết 

Chùa Hương, một quần thể văn hóa – tôn giáo lâu đời, không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là bức tranh sơn thủy hữu tình hiếm có. Du khách đến với Chùa Hương không chỉ để chiêm bái, cầu nguyện mà còn để hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành và tìm về những phút giây thanh tịnh trong tâm hồn. Hãy một lần đến với Chùa Hương để trải nghiệm vẻ đẹp tâm linh và khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của miền đất Phật này!

Xem thêm

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết gần đây