Được xây dựng từ thế kỷ 11, Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hôm nay, bạn hãy cùng Xanh SM ghé thăm di tích văn hóa này nhé!
Giới thiệu về Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám (tên tiếng Anh: The Temple of Literature) là trường Đại học đầu tiên ở nước ta, nơi sinh ra những thế hệ hiền tài cho đất nước. Trải qua hàng nghìn năm phát triển của lịch sử, Văn Miếu giờ đây là một di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam. Đây là nơi thờ 3 vị vua anh minh của dân tộc: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Nội tại khu Văn Miếu Quốc Tử Giám có những kiến trúc độc đáo, riêng biệt. Có thể kể đến các hạng mục ấn tượng như Đại Thành Môn, Đại Bái Đường hay Đền Khải Thánh là những biểu tượng đặc trưng của Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Văn miếu quốc tử giám ở đâu?
Văn Miếu Quốc Tử Giám tọa lạc tại trung tâm Hà Nội, nằm ở vị trí đắc địa tiếp giáp 4 tuyến phố trung tâm nhộn nhịp của quận Đống Đa là Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Cổng vào quần thể di tích nằm ở địa chỉ 58 Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa.
Giờ mở cửa & giá vé tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Khi ghé thăm Văn Miếu, bạn cần chú ý đến thời gian mở cửa và giá vé như sau:
Giờ mở cửa:
- 7:30 – 17:30 (mùa hè)
- 8:00 – 17:00 (mùa đông)
Giá vé vào Văn Miếu:
- Vé người lớn là 70.000 VNĐ
- Vé học sinh, sinh viên là 15.000 VNĐ (cần có thẻ học sinh, sinh viên)
- Người khuyết tật nặng, người cao tuổi: 35.000 VND (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, có căn cước công dân)
- Trẻ em dưới 15 tuổi, người khuyết tật và nhà giáo được miễn phí vé vào cửa. Ngoài ra, khi đăng ký tham quan nhóm từ 10 người trở lên, du khách sẽ được giảm giá vé vào cửa.
Lưu ý: Giá vé có thể được điều chỉnh vào các ngày Lễ tết và sự kiện đặc biệt khác.
Xem thêm: [CẬP NHẬT] Vé vào Văn Miếu Quốc Tử Giám 2024 mới nhất
Lịch sử hình thành và phát triển Văn Miếu
Trải qua hơn 1.000 năm với những biến thiên của lịch sử, Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên nét cổ kính và tôn nghiêm.
Nguồn gốc và thời điểm xây dựng
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Ban đầu, đây là ngôi đền nhỏ thờ Tứ phối, Khổng Tử, Chu Công.
Đến thời vua Lý Nhân Tông, vào năm 1076 ông cho xây thêm Quốc Tử Giám ở ngay cạnh, trường này chỉ dành riêng cho con của các bậc vua quan quyền quý. Đây có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Sau khi vua Trần Thái Tông lên ngôi, nơi đây được đổi tên thành Quốc học viện. Không chỉ dành cho giới quý tộc, trường bắt đầu thu nhận những học trò xuất thân hàn môn nhưng có thành tích xuất sắc. Sang thời vua Lê Thánh Tông, vị vua này bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ.
Tới triều Nguyễn, Quốc Tử Giám được thành lập thêm tại Huế. Văn Miếu Thăng Long được sửa sang, trùng tu lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đó được đổi tên thành Văn Miếu Hà Nội.
Đọc thêm: Tìm hiểu bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám: Danh sách 82 tiến sĩ
Giá trị lịch sử và văn hóa của Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là nơi thờ phụng các bậc thánh hiền và hiền tài của dân tộc mà còn là trung tâm giáo dục, khoa bảng đầu tiên của Việt Nam, là bằng chứng lịch sử về một nền văn hiến của dân tộc.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là nơi khuyến khích học tập, thúc đẩy tinh thần hiếu học, trân trọng hiền tài, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền giáo dục quốc gia.
Cho đến hiện tại, Văn Miếu là nơi bảo tồn, lưu giữ các hiện vật văn hóa quý báu của cha ông. Nhiều triết lý, đạo học vẫn còn giá trị to lớn. Hình thức nghệ thuật viết thư pháp chữ Hán, hay kỹ thuật chạm khắc tinh xảo được thể hiện rõ qua những bia đá, các bức hoành phi…
Đây cũng là nơi chốn tâm linh của bao thế hệ học trò hiện đại. Trước những kỳ thi quan trọng, nhiều phụ huynh thường đưa con em đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để dâng hương với mong muốn đi thi thuận lợi, đỗ đạt điểm cao.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 1962, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được xếp hạng là Di tích quốc gia. Đặc biệt, nơi đây có 82 tấm bia tiến sĩ, hiện vật đã được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới.”
Những điểm thăm quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám không thể bỏ qua
Quần thể khu di tích Văn Miếu là một khu đất hình chữ nhật rộng lớn có diện tích 54.331 m², được chia thành nhiều phân khu khác nhau với mỗi phần đều mang một nét đặc sắc riêng biệt.
Cổng tam quan Văn Miếu môn
Cổng tam quan là cổng phía ngoài của khu di tích Văn Miếu Hà Nội. Thiết kế Văn Miếu môn gồm ba cửa chính, hai tầng cao to & tầng trên khắc 3 chữ đại tự cũng là tên của cổng này. Phía trước cổng là tứ trụ nghi môn ở giữa và hai tấm bia Hạ mã ở hai bên.
Đại Trung Môn
Đại Trung Môn là cổng chính của Văn Miếu, mang phong cách kiến trúc truyền thống với mái ngói cong vút và các chi tiết điêu khắc tinh xảo.
Khuê Văn Các
Khuê Văn Các là một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội, được xây dựng vào năm 1805. Khuê Văn Các là nơi diễn ra các cuộc thi văn chương và cũng là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của khu di tích.
Giếng Thiên Quang
Giếng Thiên Quang mang hình dáng đặc biệt là hình vuông, tượng trưng cho đất kết hợp với ô tròn trên Khuê Văn Các là tượng trưng cho trời. Hai công trình này đại diện cho mọi tinh hoa đất trời tụ họp tại Trung tâm văn hóa – giáo dục lớn nhất tại kinh đô Thăng Long.
82 Bia tiến sĩ
Nằm ở hai bên giếng Thiên Quang là 2 dãy bia đá lớn gồm 82 bia tiến sĩ đặt trên lưng của 82 con rùa. Công trình này sử dụng đá xanh kết hợp với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo mang nhiều ý nghĩa tâm linh.
Đại Thành Môn
Đại Thành Môn được xây dựng theo lối kiến trúc giống với Đại Trung Môn. Kiểu thiết kế này mang đậm phong cách thời Hậu Lê với kết cấu 3 gian, mỗi gian có cửa sơn đỏ cùng họa tiết rồng mây và 2 hàng cột hiên trước sau, 1 hàng cột giữa. Phía trên giáp nóc, ở chính giữa treo một bức hoành khắc 3 chữ Hán “Đại Thành Môn” với ý nghĩa là sự thành đạt lớn lao.
Nhà Thái Học
Là nơi học tập, nghiên cứu của các nho sĩ thời xưa. Tại đây, các học trò cùng nhau bàn luận về các vấn đề sách vở, thế sự.
Ngoài các công trình chính, khu di tích còn có nhiều điểm nhấn kiến trúc như Hậu Đường và các đền thờ phụ khác. Mỗi công trình đều mang một ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc, tạo nên một bức tranh toàn diện về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Các hoạt động trải nghiệm khi thăm quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Dưới đây là một số gợi ý về các hoạt động các bạn có thể tham khảo khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám:
- Tham quan các di tích: Du khách có thể tìm hiểu về kiến trúc độc đáo, các hiện vật trưng bày và lắng nghe những câu chuyện lịch sử thú vị về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
- Tham gia hội thơ ngày Rằm tháng Giêng: Đây là dịp để các nhà thơ, người yêu thơ tụ họp, chia sẻ tác phẩm và cảm xúc, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc.
- Hoạt động nghiên cứu, học tập: Nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu đến đây để tìm hiểu và học tập về lịch sử, văn học, kiến trúc.
- Xin chữ: Một nét văn hóa đặc biệt, du khách có thể xin chữ từ các thầy đồ để mang lại may mắn.
- Thắp hương cầu thi cử đỗ đạt: Đây là nơi các sĩ tử thường đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi quan trọng.
- Check-in với những góc sống ảo cổ kính: Với kiến trúc cổ kính, đây là nơi giúp bạn có những tấm ảnh đẹp để lưu giữ kỷ niệm.
Đặc biệt, tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp sẽ là trải nghiệm đáng nhớ.
Với công nghệ trình chiếu hiện đại, bia Tiến sĩ Thăng Long đã rũ bỏ mặt đá im lìm suốt hằng trăm năm qua, để kể những câu chuyện sinh động về khoa cử. Ngoài ra khách tham quan cũng sẽ được trải nghiệm hệ thống thực tế ảo, hòa mình vào thế giới mới.
Kinh nghiệm thăm quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Khi đến tham quan Văn Miếu Hà Nội, bạn cần chú ý những vấn đề dưới đây:
- Thời gian đi: Thời gian thăm quan tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn. Vào những thời điểm này, thời tiết thường dễ chịu hơn và khu di tích cũng bớt đông đúc.
- Quy định về trang phục: Việc mặc trang phục lịch sự và kín đáo là rất quan trọng. Hãy chọn trang phục thoải mái, nhưng tránh mặc quần áo quá ngắn hoặc hở hang.
- Các quy định khác: Trong suốt quá trình thăm quan, bạn cần tuân thủ các quy định của khu di tích như giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi; hạn chế tiếng ồn để không làm phiền đến những du khách khác; cẩn thận khi di chuyển và không chạm vào các hiện vật lịch sử.
Hướng dẫn cách di chuyển đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Để di chuyển đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức như tự túc phương tiện hoặc gọi xe. Hãy tính toán thật kỹ lưỡng để chọn phương án đi lại phù hợp, đảm bảo hành trình suôn sẻ nhé!
- Đi xe buýt công cộng: Nếu lựa chọn đi xe buýt, bạn nên tham khảo một số tuyến dừng tại gần khu vực Văn Miếu như: 02, 23, 38, 41. Hãy chọn tuyến xe thuận lợi nhất để tiết kiệm thời gian di chuyển đến di tích văn hóa.
- Tự di chuyển: Bạn có thể tự đến tham quan bằng xe máy và gửi xe tại bãi xe gần cổng vào. Giá vé gửi xe khoảng 10.000 VNĐ.
- Đặt xe Xanh SM: Với những người chưa thực sự rành đường Hà Nội, hãy để các bác tài xế Xanh SM hỗ trợ bạn di chuyển đến điểm văn hóa này. Tải app Xanh SM TẠI ĐÂY để kết nối với các tài xế và có một chuyến đi thật an toàn, thuận lợi. Mọi thắc mắc, các bạn có thể liên hệ tổng đài theo số hotline 1900 2088 để được Xanh SM hỗ trợ tốt nhất.
Tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám mất khoảng thời gian từ 1 đến 2 tiếng nên bạn có thể kết hợp đi đến những địa điểm nổi tiếng khác của Hà Nội gần đó như cột cờ, Hoàng Thành Thăng Long.
Trải qua ngàn năm văn hiến, Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn lưu giữ được những giá trị kiến trúc, văn hóa to lớn cùng các hiện vật quý. Đây là công trình biểu tượng cho tinh hoa giáo dục cùng truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nếu có dịp ghé thăm Thủ đô, bạn đừng bỏ lỡ điểm đến văn hóa ý nghĩa này nhé!