Đền Hùng Vương không chỉ là biểu tượng văn hóa – lịch sử mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với kiến trúc cổ kính, không gian linh thiêng và các lễ hội văn hóa độc đáo, Đền Hùng là điểm đến mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng mong một lần được ghé thăm.
Đền Hùng Vương ở đâu?
- Địa chỉ: Thôn Lạc Hồng, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 85 km về phía Tây Bắc.
- Giờ mở cửa: 7h00 – 18h00 (riêng Bảo tàng Hùng Vương mở cửa từ 7h00 – 16h00)
Đây là một quần thể di tích nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích Đền Hùng có tổng diện tích 845 ha bao gồm: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và đền Giếng cùng nhiều công trình phụ trợ.
Đền Hùng Vương nằm trên đỉnh núi với địa thế hùng vĩ và không gian thoáng đãng. Từ đây, bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn cùng vẻ đẹp của thành phố Phú Thọ trải dài dưới chân núi.
Lịch sử và ý nghĩa văn hoá của Đền Hùng Vương
Với bề dày lịch sử ngàn năm, Đền Hùng Vương là nơi lưu giữ truyền thuyết về các vua Hùng – những người đã đặt nền móng đầu tiên cho Nhà nước Văn Lang, mở ra trang sử đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Nguồn gốc và lịch sử xây dựng Đền Hùng Vương
Đền Hùng Vương được xây dựng trên núi Hùng, thuộc đất Phong Châu. Ngày xưa, vùng đất này từng là trung tâm của nước Văn Lang, được bao bọc bởi hai dòng sông lớn và những dãy núi non trùng điệp bao bọc bảo vệ cố đô xưa của các vua Hùng.
Thời đại Hùng Vương đánh dấu bước mở đầu trong công cuộc xây dựng lên nước Việt Nam ngày nay. Trong truyền thuyết, các câu chuyện sống động vẫn được lưu truyền về Vua Hùng như: dạy dân cày ruộng, trồng lúa nước, hay vua tôi cùng săn bắt, chia sẻ thịt thú rừng và quây quần ăn uống, không phân biệt sang hèn.
Bên cạnh đó là những sự tích nổi bật như: Vua Hùng thứ 6 cầu người tài giúp nước- kể về sự xuất hiện của Thánh Gióng đánh giặc Ân, Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày. Tất cả đều phản ánh một thời kỳ văn minh đầy ấn tượng từ những buổi đầu dựng nước của dân tộc.
Cho đến nay, thời gian tồn tại chính xác của thời đại Hùng Vương vẫn chưa được xác định rõ. Theo Ngọc phả Hùng Vương lưu truyền, 18 đời Hùng Vương kéo dài hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, một số nhà sử học ước tính rằng thời đại Hùng Vương bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và kết thúc vào năm 258 trước Công nguyên.
Theo các tài liệu khoa học, quần thể đền Hùng được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (968-979). Đến thế kỷ XV, dưới triều đại Hậu Lê, khu di tích đã được hoàn thiện theo quy mô như hiện nay.
Ý nghĩa tôn vinh tổ tiên và những vị vua khai quốc
Đền Hùng là nơi người dân Việt Nam tìm về cội nguồn dân tộc và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng – những vị vua đầu tiên đã đặt nền móng dựng nước cho dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng các vị Vua Hùng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Những di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng trên cả nước luôn được gìn giữ, bảo tồn và tôn tạo cẩn thận.
Kiến trúc của Đền Hùng
Đền Hùng Vương bao gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng. Với địa thế cao, hùng vĩ, nơi đây mang đậm khí thiêng, là sự giao hòa hoàn hảo giữa núi non và sông nước.
Đền Hạ
Đền Hạ là điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến với Khu di tích Đền Hùng. Đây là nơi thờ 18 vị vua Hùng, trong hậu cung đền có 3 long ngai bài vị. Đền gắn liền với truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam: mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng – nguồn gốc của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng (đồng là cùng, bào là bọc).
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII – XVIII với kiến trúc chữ “nhị” độc đáo, gồm hai tòa: tiền bái và hậu cung. Mỗi tòa có ba gian, cách nhau 1,5m, kết cấu đơn sơ với kèo cầu suốt, bẩy tựa đầu kèo tạo nên mái sau dài hơn mái trước. Phần bờ nóc phẳng, không có hoa văn trang trí, mái lợp bằng loại ngói mũi, dân gian gọi là ngói mũi lợn.
Ngay dưới chân Đền Hạ là Nhà bia, mang kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Trên đỉnh có hình nậm rượu đắp nổi, mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, láng xi măng bên ngoài. Nhà bia có 6 cột tròn xây bằng gạch tròn, chân cột được bao quanh bởi lan can tạo sự vững chãi và trang nghiêm.
Đền Trung
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), nơi gắn liền với truyền thuyết về sự tích bánh chưng, bánh dày thời Hùng Vương thứ 6. Khác với các đời vua trước, Hùng Vương thứ 6 không truyền ngôi cho con trưởng mà tổ chức cuộc thi tài để chọn người kế vị. Ông đã truyền ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo làm ra bánh chưng, bánh dày.
Đền Trung được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “Nhất”, gồm 3 gian quay mặt về hướng Nam. Đền có chiều dài 7,2m và rộng 3,7m, mái hiên cao 1,8m. Công trình không sử dụng cột kèo, thay vào đó các cầu quá giang được gối vào tường, tạo nên vẻ đơn giản và trang nghiêm.
Đền Thượng
Đền Thượng, hay còn gọi là “Kính Thiên Lĩnh Điện” (Điện cầu trời) hoặc “Cửu Trùng Tiên Điện” (Điện giữa chín tầng mây), nằm trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền, vào thời Hùng Vương, nơi đây được các vua Hùng tổ chức lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh.
Ngoài cổng đền, có dòng chữ “Nam Việt triệu tổ” (Tổ tiên của người Việt phương Nam), nhắc nhở về nguồn cội của dân tộc. Bia Hùng Vương được tạc bằng đá xanh và gắn trên tường quan cư bên trái đền Thượng. Tuy nhiên, bia đã bị đánh cắp vào khoảng 10 năm sau khi xuất hiện và đến năm 2010 đã được khôi phục lại.
Đền Thượng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Giỗ Tổ, thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với cội nguồn.
Đền Giếng
Là đền thứ 4 trong quần thể di tích Đền Hùng, Đền Giếng thờ hai bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa – con gái của vua Hùng thứ 18. Tương truyền rằng, đây là nơi hai công chua soi gương, vấn tóc khi đi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ phụng.
Khi đến thăm đền Giếng, bạn sẽ bắt gặp cổng đền có kiểu dáng tương tự như cổng chính. Cổng được xây dựng theo kiểu kiến trúc 2 tầng tám mái. Ở tầng trên, giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Tầng dưới có một cửa vòm lớn ở giữa, hai bên là câu đối và tượng hai võ sĩ.
Đền Giếng được xây theo hướng Đông Nam, với kiến trúc kiểu chữ công, bao gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), một chuôi vồ và hai nhà oản (4 gian), cùng với phương đình nối liền tiền bái và hậu cung. Đặc biệt, đền được xây dựng lên trên giếng, nên trong hậu cung luôn có một giếng nước trong mát, không bao giờ cạn suốt bốn mùa.
Các địa điểm tham quan nổi bật xung quanh Đền Hùng
Sau khi tham quan đền Hùng, du khách có thể kết hợp khám phá thêm một số địa điểm nổi tiếng gần đó như:
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân nằm cách đó khoảng 1km, thuộc quần thể di tích đền Hùng. Đền tọa lạc trên đồi Sim, xã Chu Hóa, TP. Việt Trì, Phú Thọ và được xây dựng vào năm 2009.
Đây là nơi người dân dùng để ghi nhớ và tôn vinh Quốc tổ, đã đánh dấu sự khởi đầu của con dân Việt Nam trên dải đất hình chữ S. Gắn liền với Lạc Long Quân là truyền thuyết cùng mẹ Âu Cơ sinh ra 100 bọc trứng, tượng trưng cho 100 con người Việt Nam.
Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ
Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ được xây dựng vào năm 2001 và chính thức đưa vào hoạt động năm 2005. Chỉ cách đền Hùng khoảng 800m, đây cũng là điểm đến mà bạn khó lòng bỏ qua khi ghé thăm nơi đây.
Công trình đền mẹ Âu Cơ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với mái cong, cột nhà bằng gỗ lim. Các họa tiết trang trí của đền mô phỏng theo văn hóa trống đồng Đông Sơn. Trước khi đến với đền chính, du khách sẽ phải đui 553 bậc đá và gặp tượng mẹ Âu Cơ bằng đồng dát vàng, biểu tượng của sự hiền hòa và tâm thế ung dung.
Bảo tàng Hùng Vương
Vẫn nằm trong di tích lịch sử đền Hùng, du khách có thể ghé thăm bảo tàng Hùng Vương. Đứng từ núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, bảo tàng như một chiếc hộp hình vuông khổng lồ, bởi nơi đây được thiết kế theo hình dạng bầu trời hình tròn, mặt đất hình vuông. Được xem là quan niệm của người Việt cổ từ xa xưa gắn liền với sự tích “Bánh chưng – Bánh dày”.
Hiện tại, bên trong bảo tàng đang trưng bày gần 700 hiện vật gốc (trên tổng 4000 hiện vật được tìm thấy trong thời kỳ dựng nước Văn Lang). Các hiện vật được trưng bày theo 5 chủ đề chính gồm:
- Đất nước, con người thời nguyên thủy
- Bắt đầu thời dựng nước
- Sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng
- Khu di tích Đền Hùng và việc thờ cúng Vua Hùng trên thềm đất cổ Phong Châu
- Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của các chế độ xã hội với Đền Hùng.
Lễ hội và các hoạt động văn hoá tại Đền Hùng
Đền Hùng không chỉ là điểm đến linh thiêng mà còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo du khách mỗi năm.
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là dịp lễ quan trọng của người dân Việt Nam, đây là ngày Quốc giỗ để con cháu vua Hùng tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các ngài. Vậy lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức ở đâu?
Lễ hội này sẽ được tổ chức hàng năm từ ngày 6/3 – 10/3 âm lịch tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Quốc giỗ là ngày lễ quan trọng, nên trước đó cả tháng tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai rất nhiều hoạt động quảng bá, chuẩn bị chương trình chào mừng đặc sắc, đón du khách gần xa về tham dự lễ hội.
Trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội, có hai lễ chính được diễn ra vào ngày mùng 10/3 sẽ được cử hành tại đền Hùng:
- Lễ rước kiệu vua Hùng: Diễu hành từ chân núi rồi lần lượt đi qua các đền nhỏ để tới đền Thượng.
- Lễ dâng hương: Người đại diện hành hương sẽ tới đền Hùng dâng hương, khai báo và cầu nguyện cho đất nước thái bình. Theo quan niệm dân gian, mỗi nắm đất, mỗi gốc cây đều rất linh thiêng nên cần phải dâng hương và cúng bái đầy đủ.
Trong thời gian lễ hội diễn ra, có rất nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: hội thi nấu bánh chưng, bánh giầy, thi hát xoan, thi kéo co, thi đánh trống…Ngoài ra, rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức. Nếu bạn là người thích tìm hiểu văn hóa truyền thống, thật khó để bỏ qua lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương.
Các hoạt động văn hóa khác tại Đền Hùng
Bên cạnh các nghi lễ chính thức diễn ra một năm một lần, rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống thường xuyên được tổ chức. Các lễ hội văn hóa dân gian, chương trình tái hiện các câu chuyện dựng nước, giữ nước của dân tộc ta tạo nên sức hút đặc biệt cho khu di tích.
Ngoài ra, khu di tích còn thường xuyên tổ chức các buổi diễn xướng dân gian, trong đó có “Hát Xoan – di sản văn hóa phi vật thể” đặc trưng tỉnh Phú Thọ. Các hoạt động tôn vinh công lao các vị vua Hùng, triển lãm trưng bày hiện vật, tư liệu lịch sử, chương trình giao lưu văn hóa, dâng hương…Giúp du khách gắn kết hơn với giá trị truyền thống, nâng tầm hiểu biết của mình về thời đại Hùng Vương.
Kinh nghiệm tham quan Đền Hùng Vương
Để chuyến tham quan Đền Hùng thêm trọn vẹn, du khách nên chuẩn bị một số kinh nghiệm hữu ích từ việc di chuyển, chọn thời điểm và lưu ý khi ghé thăm nơi đây..
Thời gian lý tưởng để tham quan Đền Hùng
Thời gian lý tưởng nhất để tham quan Đền Hùng là vào mùa Xuân. Đặc biệt, dịp Quốc giỗ mùng 10 tháng 3 là thời điểm lễ hội truyền thống lớn nhất cả nước được tổ chức, thu hút lượng lớn du khách thập phương tới dâng hương. Không khí lễ hội với rất nhiều các hoạt động văn hóa truyền thống, sẽ mang tới cho du khách trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ.
Nếu bạn là người không thích không khí xô bồ, thì những ngày trong năm trừ mùa lễ hội sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Đền Hùng sẽ có một dáng vẻ yên bình, thanh tĩnh lạ thường, du khách sẽ có cơ hội thả mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh mát, chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính và lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc.
Dù ở dịp nào trong năm, Đền Hùng vẫn sẽ cho con cháu trên dải đất hình chữ S một cảm giác thiêng liêng, tự hào khi nhắc tới cội nguồn dân tộc.
Cách di chuyển đến Đền Hùng
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân:
Có hai cung đường bạn có thể lựa chọn nếu di chuyển đến Đền Hùng bằng xe máy hoặc ô tô tự lái:
- Cung đường 1: Di chuyển theo hướng ra sân bay Nội Bài qua cầu Thăng Long, đến Quốc lộ 2 rồi tiếp tục đi đến Cầu Việt Trì. Từ đây, bạn qua trung tâm thành phố và rẽ trái, đi thêm khoảng 10 km nữa là đến Đền Hùng.
- Cung đường 2: Di chuyển theo Quốc lộ 32 dọc theo hướng Ba Vì. Khi đến cầu Trung Hà, tiếp tục đi đến Cầu Phong Châu, qua cầu và đi thẳng sẽ đến Đền Hùng.
Di chuyển bằng phương tiện công cộng:
Từ Hà Nội đến Đền Hùng, bạn có thể bắt xe khách tại bến xe Mỹ Đình, chọn chuyến xe Hà Nội – Phú Thọ. Khi lên xe, bạn chỉ cần thông báo với nhà xe để họ trả bạn tại Đền Hùng. Thời gian di chuyển sẽ kéo dài khoảng 2,5 – 3 tiếng, là bạn đã đến được điểm đến linh thiêng này.
Di chuyển bằng xe công nghệ
Ngoài phương tiện di chuyển công cộng trên, Xanh SM chu du là lựa chọn hoàn hảo cho bạn với dịch vụ dành riêng cho các chuyến đi khám phá trong ngày. Đặc biệt, Xanh SM di chuyển thân thiện với môi trường, không lo ngại về khí thải.
Dịch vụ Xanh SM luôn cam kết lắng nghe và mang đến cho bạn những chuyến đi an toàn và thoải mái, tiết kiệm năng lượng vì không hề sử dụng xăng. Đặc biệt, Xanh SM sở hữu đội ngũ các Bác tài thân thiện, chuyên nghiệp, luôn tận tâm và sẵn sàng phục vụ bạn mọi lúc, mọi nơi.
Để trải nghiệm dịch vụ, bạn có thể gọi ngay qua Hotline 1900 2088 hoặc tải ứng dụng Xanh SM TẠI ĐÂY để dễ dàng đặt xe, tra cứu và sử dụng ngay các vô vàn ưu đãi dành riêng cho bạn.
Những lưu ý khi tham quan Đền Hùng
Đền Hùng là khu di tích lịch sử linh thiêng nên sẽ có một số lưu ý để giúp du khách có trải nghiệm thăm quan đáng nhớ.
- Trang phục cần phải lịch sự, kín đáo để phù hợp với không gian trang nghiêm của chốn linh thiêng.
- Hạn chế gây mất trật tự công cộng, chen lấn trong khu vực thờ cúng. Văn minh trong các hoạt động tập thể như dâng hương, cúng bái, thái độ kính trọng.
- Chủ động giữ gìn tài sản cá nhân, cẩn trọng để tránh bị móc túi, cướp giật.
FAQ – Cùng giải đáp những thắc mắc về Đền Hùng Vương
Khu di tích Đền Hùng thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm. Dưới đây là những câu hỏi mà nhiều người thắc mắc trước khi đi.
Khu di tích Đền Hùng gồm có các Đền nào?
Khu di tích Đền Hùng gồm có 4 đền là: Đền Hạ, Trung, Thượng và Giếng. Các đền sẽ nằm theo thứ tự đi từ dưới chân núi bạn có thể vào thắp hương và thăm thú các đền.
Đền Hùng nằm ở đâu?
Đền Hùng tọa lạc ở Thôn Lạc Hồng, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là một quần thể di tích nằm trên núi Nghĩa Lĩnh.
Cổng vào của Đền Hùng có mấy cửa?
Đền Hùng có 1 cổng chính gồm 2 tầng, cao 8,5m và rộng 4,5m. Cổng được trang trí mái vòm, trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt (2 rồng ngậm 1 ngọc).
Bài viết phía trên đã chia sẻ chi tiết những thông tin về Đền Hùng Vương và các kinh nghiệm tham quan từ cẩm nang du lịch Xanh SM. Hi vọng những thông tin chúng tôi đưa ra sẽ hữu ích để các trải nghiệm thăm quan của bạn sẽ trở nên thật tuyệt vời.
Xem thêm: