Chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa cổ nổi tiếng đẹp và linh thiêng bậc nhất giữa lòng Sài Thành. Đây là nơi ghé thăm của rất nhiều khách tham quan và đặc biệt là những người tới để cầu tình duyên, cầu con cái. Trong bài viết này, xin mời mọi người cùng Xanh SM khám phá lịch sử, kiến trúc và những điều cần biết khi đến chùa dâng hương!
Giới thiệu chung về chùa Ngọc Hoàng
Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời tại Việt Nam, nơi lui tới của những ai muốn cầu tình duyên hoặc cầu con cái. Ngoài ra, nhiều người cũng thường tới chùa để cầu bình an, sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Thông tin tham quan
Chùa Ngọc Hoàng có bao nhiêu tên gọi? Chùa ở đâu? Mở cửa giờ nào? Dưới đây là một số thông tin cơ bản để khách tham quan lần đầu ghé thăm chùa dễ dàng nắm được:
- Tên gọi khác: Điện Ngọc Hoàng, Phước Hải Tự (chùa Phước Hải), chùa Đa Kao.
- Địa chỉ chùa Ngọc Hoàng: Số 73, đường Mai Thị Lựu, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
- Giờ mở cửa:
- Thứ 2 – Chủ nhật: 7h00 – 17h30.
- Mùng 1 và rằm âm lịch: 5h00 – 19h00.
Thông tin nổi bật
Chùa Ngọc Hoàng tọa lạc ở giữa Tp Hồ Chính Minh sầm uất nhưng lại mang một nét đẹp hoài cổ và yên tĩnh rất riêng. Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc với người dân Sài Gòn và du khách bởi vẻ cổ kính và những câu chuyện linh thiêng khi đi cầu duyên, cầu tự.
Ngôi chùa đã được Nhà nước công nhận là Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cấp Quốc gia từ năm 1994. Đặc biệt, nơi đây từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé thăm khi ông có chuyến công du tới Việt Nam (ngày 24/5/2016). Kể từ đó, chùa càng được biết đến rộng rãi hơn bởi công chúng nói chung và những người theo tín ngưỡng Đạo giáo, Phật giáo nói riêng.
Lịch sử hình thành điện Ngọc Hoàng
Điện Ngọc Hoàng là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, ngôi chùa đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và từng được quản lý bởi người Trung Quốc. Đây cũng là lý do mà ngôi chùa mang nhiều dấu ấn kiến trúc Trung Hoa.
Nguồn gốc xây dựng
Chùa Phước Hải được xây dựng trong bao nhiêu năm? Theo ghi chép, Điện Ngọc Hoàng chính thức được khởi công xây dựng vào đầu thế kỷ XX (khoảng đầu năm 1902) bởi một người Trung Quốc, tên Lưu Minh (pháp danh Lưu Đạo Nguyên). Ban đầu, điện được dựng lên để thờ vị thần Ngọc Hoàng Thượng đế.
Từ năm 1982, điện thờ được Hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản. Kể từ đây, điện Ngọc Hoàng chính thức thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, điện được đổi tên mới là Phước Hải Tự. Nhưng đến nay, nhiều người vẫn gọi là chùa Ngọc Hoàng vì khu chính điện ngôi chùa là nơi thờ Ngọc Hoàng.
Các giai đoạn trùng tu
Không thể chống chọi trước sức tàn phá của thời gian, chùa đã phải trải qua 4 đợt trùng tu vào các năm 1943, 1958, 1985 và 1986. Dẫu vậy, ngôi chùa vẫn còn giữ được đường nét kiến trúc mang đậm dấu ấn Trung Hoa xưa. Từng chi tiết, hoa văn trang trí của ngôi chùa đều được trạm trổ vô cùng tinh xảo, công phu.
Nằm giữa lòng thành phố hoa lệ song Phước Hải Tự vẫn khoác lên mình vẻ đẹp xanh mát suốt 4 mùa. Xung quanh chùa là những tán cây cổ thụ rợp bóng, không gian thanh tịnh và trang nghiêm. Đến chùa, du khách như được bỏ lại khói bụi và ồn ào của chốn đô thị để hòa mình vào không gian an yên, tĩnh lặng.
Kiến trúc của chùa cầu duyên Ngọc Hoàng
Không chỉ là nơi lui tới cầu con cái, tình duyên hay gia đạo, Phước Hải Tự còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích kiến trúc hoài cổ. Chùa Ngọc Hoàng nằm trong khuôn viên rất rộng lớn, tổng thể khoảng 2300m2. Du khách không cần sợ “lạc đường” vì trong chùa đã để sẵn những bảng hướng dẫn để mọi người di chuyển dễ dàng hơn.
Vẻ đẹp từ bên ngoài
Từ bên ngoài, ngôi chùa mang nét Trung Hoa cổ xưa trên nền màu đỏ gạch đã phai sờn cũ kỹ. Bước vào bên trong, bạn sẽ bắt gặp một khuôn viên rộng lớn, tươi mát với nhiều cây xanh. Không gian thanh tịnh với hình ảnh một ngôi miếu nhỏ thờ thần Hộ pháp, có bể cá, bể rùa gần bên.
Sự kết hợp kiến trúc Trung cổ và hiện đại
Các phần của chùa được dựng nên bằng gạch nung đỏ, mái lợp ngói âm dương khảm tượng màu vô cùng tinh xảo. Khi đến vãng cảnh chùa, bạn sẽ có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc giá trị, được làm từ vật liệu cổ xưa như gốm, gỗ, bồi. Đặc biệt phải kể đến những bức tượng giấy bồi, tất cả tạo hình dung các vị thần hội tụ về chầu Ngọc Hoàng, vô cùng sinh động và linh thiêng!
Các phần chính của chùa
Tổng thể công trình Điện Ngọc Hoàng bao gồm 3 gian: gian trái, gian giữa (hay gian chính) và gian phải. Kiến trúc ở mỗi gian được ví tựa như những tuyệt tác nghệ thuật nối tiếp nhau, vừa rực rỡ ấn tượng, vừa mang nét cổ xưa truyền thống.
Gian chính là không gian lớn nhất, được chia làm 3 phần chính là Tiền điện, Trung điện và Chánh điện.
- Tiền điện: Nơi thờ các vị thần Thổ địa và thần Môn quan.
- Trung điện: Nơi thờ Thanh Long Đại Tướng, Hổ Đại Tướng và Phật Dược Sư.
- Chánh điện: Nơi tọa tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, hai bên là tượng của Huyền Thiên Bắc Đế (bên trái) và tượng thờ Phật Chuẩn Đề (bên phải).
Gian bên trái bao gồm các điện thờ:
- Điện thứ nhất: Nơi thờ nhị vị Song Án, Thành Hoàng Lỗ Ban, tượng Mã Tướng Quân, Thái Tuế.
- Điện thứ hai: Nơi thờ Thập Điện Diêm Vương (đặt 10 bức chạm gỗ tương ứng với 10 cửa ải ở địa ngục được nhiều du khách chú ý).
- Điện thứ ba: Nơi thờ Ông Tơ Bà Nguyệt cùng 12 bà mụ và 13 đức thầy.
Gian bên phải là gian cuối cùng trong chùa, nơi có điện thờ Phật bà và có không gian riêng để du khách nghỉ chân. Ngoài ra, trong chùa còn đặt tổng cộng hơn 300 bức tượng Phật và các vị Bồ Tát, tất cả đều được điêu khắc vô cùng tình xảo, chân thực.
Không gian sau chùa
Ngoài gian thờ chính và hai gian thờ bên, phía sau chùa Ngọc Hoàng còn có ngôi miếu thờ Ông Đá. Theo lời người dân truyền tai nhau, ở đây từng có một ngôi miếu cổ của người Khmer.
Sau khi khởi công xây dựng chùa, ngôi miếu cổ đó được cải tạo và trở thành miếu thờ Ông Đá như ngày nay. Bên trong miếu có một phiến đá chữ nhật dựng đứng, tương truyền có nguồn gốc từ núi Thái Sơn, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trước viên đá có đặt một lư hương, bên phải đặt phiến đá Thanh long và trái là đá Bạch Hổ.
Di sản Hán Nôm
Chùa Ngọc Hoàng là nơi lưu giữ nhiều câu đối, hoành phi, biển ngạch, bài vị và chữ viết tiếng Hán. Trong đó, chiếm phần lớn số lượng là những di sản bằng chữ Hán Nôm. Ngoài ra, còn có nhiều bức hoành phi, câu đối chạm khắc trên chất liệu gỗ quý mang giá trị nghệ thuật và văn hóa tín ngưỡng của Đạo Minh.
Các vị thần được thờ tại chùa Ngọc Hoàng
Chùa Ngọc Hoàng là nơi thờ phụng tâm linh rất được người dân kính trọng. Mỗi tượng thờ ở chùa Ngọc Hoàng là đại diện cho một vị thần, vị phật được người dân thờ phụng:
- Ngọc Hoàng Đại đế: Đây là vị thần tối cao trọng Đạo giáo và cũng là vị thần được thờ ở chính điện của ngôi chùa.
- Kim Hoa Thánh Mẫu: Đây là vị thần bảo trợ cho việc sinh con đẻ cái được kính ngưỡng nhiều nhất theo văn hóa Trung Hoa.
- 12 bà mụ: Thập nhị tiên nương là những người coi sóc việc sinh nở ở nhân gian.
- Ông Tơ, bà Nguyệt: Đây là hai vị thần cai quản chuyện tình yêu đôi lứa theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Người ta tin rằng nếu cầu nguyện chân thành thì người sẽ tìm được người yêu vừa ý.
- Phật Dược Sư: Vị Phật thông hiểu tất cả dược lý trên thế gian, có thể chữa mọi loại bệnh khổ cho chúng sinh. Ngài phổ độ chúng sinh thoát khỏi những khổ đau về cả thể xác và tinh thần.
- Thần Tài: Miếu Thần Tài nổi tiếng rất linh thiêng trong chùa Ngọc Hoàng. Đây là vị thần đem lại may mắn về tiền tài theo quan niệm tín ngưỡng của các nước phương Đông.
Ý nghĩa tâm linh của Phước Hải Tự
Tương ứng với những quan niệm tín ngưỡng, mỗi vị thần được thờ phụng ở chùa Ngọc Hoàng đều có vị trí – chức trách cai quản. Theo đó, với mỗi vị trí cai quản, người dân cũng đến dâng hương lên các vị thần để cầu nguyện vọng tương ứng.
Cầu con cái
Chùa Phước Hải cầu gì? Nổi tiếng là ngôi chùa cầu con ở Sài Gòn, rất nhiều người dân đến chùa để dâng hương tại điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, cùng Thập Nhị Nương Tử và 13 đức thầy. Đây là nơi linh thiêng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Rất nhiều người mang thai cũng tới đây để xin được “mẹ tròn con vuông”. Không ít cặp vợ chồng sau khi trở về và có tin vui đã trở lại chùa để làm lễ tạ ơn.
Cầu duyên
Những ai muốn đi Phước Hải Tự để xin nhân duyên tốt đẹp thì nhất định phải dâng hương tại điện thờ ông Tơ, bà Nguyệt. Đây là nơi các bạn trẻ đến để xin tìm được ý trung nhân, “lúc đi lẻ bóng, lúc về có đôi”. Nhiều người truyền tai nhau rằng chỉ cần khấn tên mình và “nửa kia”, sau đó sờ vào hai bức tượng là có thể được kết duyên.
Cầu tài lộc, công danh
Ngọc Hoàng Đại đế là vị thần tối cao trọng Đạo giáo chuyên cai quản về tài lộc, công danh và cũng là vị thần được thờ ở chính điện của ngôi chùa. Mọi người đến điện chính dâng hương trước tượng của Ngài là để cầu chuyện tài lộc, công danh. Ngoài ra, mọi người cũng có thể ghé miếu Thần Tài và dâng mâm lễ trái cây, hoa quả để cầu tài lộc.
Cầu bình an và sức khỏe
Bên cạnh sự nổi tiếng của ngôi chùa về việc cầu duyên, cầu tự, chùa Ngọc Hoàng cũng là nơi các tín đồ tới cúng bái để cầu xin sức khỏe, bình an. Trong chùa có điện thờ Phật Dược Sư, là nơi để cầu sức khỏe và bình an cho bản thân, gia đình.
Các hoạt động tại chùa Ngọc Hoàng
Đối với những ai lần đầu đi lễ chùa, việc chuẩn bị mâm lễ dâng hương không tránh khỏi bỡ ngỡ. Bạn không cần lo lắng vì ở mỗi điện thờ, sẽ có người hướng dẫn đặt lễ và nghi thức dâng hương tận tình. Tuy nhiên, để không phải chờ đợi lâu và chuẩn bị tươm tất nhất, Xanh SM có một vài gợi ý cho bạn khi đi lễ chùa:
- Hãy ăn mặc kín đáo, lịch sự, không quá màu mè vì ngôi chùa là chốn linh thiêng.
- Trong thời gian thăm quan tại chùa, giữ gìn vệ sinh, không gây ồn ào.
- Xếp hàng và tuân thủ các quy định của chùa để tránh gây tình trạng lộn xộn, mất trật tự.
- Không nên chỉ trỏ bàn tán về những người thăm quan hoặc dâng lễ.
- Giữ thái độ tôn trọng và tập trung nghe hướng dẫn quy trình dâng lễ.
- Bạn nên xin phép ban quản lý chùa trước khi thực hiện chụp hình hoặc quay phim.
- Bạn hãy tự bảo quản đồ lễ và hành lý thật tốt để tránh thất lạc hay hư hỏng.
Bất cứ nơi cầu nguyện nào cũng cần sự nghiêm túc và thành kính của bạn. Hãy bày tỏ lòng thành bằng những hành động thực tế, không cần phải “mâm cao lễ nặng” nhưng bạn hãy là tín đồ thông thái và văn minh nhé!
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Ngọc Hoàng
Nằm giữa trung tâm Sài Gòn nên các tuyến đường đến chùa Ngọc Hoàng khá dễ tìm. Bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện như xe khách, xe bus, xe hơi hay xe máy đều được. Tuy nhiên, đoạn đường Mai Thị Lựu khá hẹp và nhiều phương tiện qua lại, bạn sẽ dễ di chuyển hơn bằng xe máy hoặc taxi.
Cách di chuyển đến chùa Ngọc Hoàng bằng xe bus
Hiện nay có các tuyến xe bus 18, 91, 93 và 150 sẽ đi qua trạm gần chùa Ngọc Hoàng. Các trạm dừng gần chùa như đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Nhà thờ Mạc Ti Nho, Đài Truyền hình thành phố,… Sau khi xuống trạm dừng, bạn có thể gọi xe ôm hoặc xe taxi để đến chùa.
Di chuyển từ trung tâm thành phố
Từ trung tâm thành phố, bạn tự lái phương tiện đến chùa thì sẽ chủ động hơn so với đi xe bus. Tuyến đường gợi ý dành cho bạn như sau: Đi theo đường Trương Định, rẽ vào Nguyễn Thị Minh Khai, sau đó sẽ vào Điện Biên Phủ, cuối cùng là vòng xuống Mai Thị Lựu là đến nơi.
Di chuyển từ khu vực khác
Nếu xuất phát từ các tỉnh miền Bắc hoặc Trung, bạn nên đặt vé máy bay đi Tp. Hồ Chí Minh để chuyến đi được thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm sức lực nhất. Sau khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, hãy đặt ngay dịch vụ Xanh Airport siêu an toàn – siêu êm ái đưa bạn đến điểm du lịch nhanh chóng nhất!
Hướng dẫn đặt Xanh Airport:
- Bước 1: Mở ứng dụng Xanh SM và nhấn vào biểu tượng dịch vụ “ô tô sân bay” trên trang chủ.
- Bước 2: Chọn điểm đến là chùa Ngọc Hoàng và bấm vào “xác nhận điểm đón”.
- Bước 3: Chọn loại dịch vụ xe phù hợp nhu cầu của bạn (hiển thị giá chuyến đi bên cạnh).
- Bước 4: Bấm vào “Ưu đãi” góc phải gần ô đặt xe để lựa chọn voucher giảm giá hấp dẫn của Xanh SM.
- Bước 5: Bấm vào “Đặt xe” nếu bạn chọn làn đón xe công nghệ hoặc bấm vào “Xanh Now” nếu bạn chọn làn đón taxi.
- Bước 6: Nhanh chóng di chuyển tới điểm đặt xe.
- Bước 7:
- Nếu đón tại làn taxi: Lên xe Xanh SM có đèn sáng xanh, cung cấp mã số trên ứng dụng cho tài xế và bắt đầu hành trình.
- Nếu đón tại làn xe công nghệ: Bạn hãy kiểm tra biển số và thông tin tài xế sau đó lên xe để bắt đầu hành trình.
Địa điểm du lịch gần chùa Ngọc Hoàng
Nếu bạn là du khách từ xa đến Sài Gòn, có rất nhiều điểm đến thú vị xung quanh chùa Ngọc Hoàng, bạn có thể tiện đường ghé thăm. Sau đây là một số gợi ý điểm đến hấp dẫn, các bạn có thể trải nghiệm cho chuyến đi của mình thêm trọn vẹn!
Dinh Độc Lập
Đây là điểm thăm quan cách chùa Ngọc Hoàng chưa đến 3km, tuyến đường đơn giản và rất thuận tiện đi lại. Dinh độc lập nổi tiếng ở thành phố mang tên Bác không chỉ vì dấu ấn lịch sử hào hùng mà còn vì vẻ đẹp kiến trúc vững chãi, mạnh mẽ đầy oai nghiêm nơi đây.
- Địa chỉ: Số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Đức Bà
Cách Dinh Độc Lập không xa là Nhà Thờ Đức Bà nổi tiếng. Vẻ đẹp tráng lệ của Nhà thờ Đức Bà đã trở thành nét đẹp biểu tượng và là niềm tự hào của người dân thành phố nói chung và giáo phận Sài Gòn nói riêng. Nơi đây nổi bật bởi kiến trúc nguy nga đồ sộ, cổ kính đầy hoa mỹ.
Bạn sẽ có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hòa quyện giữa phong cách Roman hoa lệ và Gothic bề thế. Nếu như chùa Ngọc Hoàng mang đến nét đẹp cổ kính Trung Hoa thì nhà thờ Đức Bà chính là biểu tượng kiến trúc phương Tây giữa trời Sài Thành.
- Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, thuộc Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Chợ Bến Thành
Nếu bạn muốn có cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương khi tới Sài Thành thì nhất định nên ghé qua chợ Bến Thành. Đây là điểm đến cho bạn thỏa sức khám phá nền ẩm thực cũng như lối sống, văn hóa sinh hoạt của người dân thành phố. Tới chợ Bến Thành, bạn cũng có dịp thỏa sức mua sắm và chuẩn bị những món quà kỷ niệm dành tặng người thân, bạn bè sau chuyến đi.
- Địa chỉ: Đường Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi tụ tập vui chơi về đêm đẹp và sầm uất bậc nhất thành phố. Đến đây, bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi động và nhịp sống vui tươi của Sài Gòn. Đừng chỉ chụp hình hay đi dạo trên phố, bạn hãy trải nghiệm những hoạt động vui chơi, giao lưu tại đây để có những kỷ niệm ấn tượng và khó quên cho chuyến đi nhé!
Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Xem thêm:
Chùa Ngọc Hoàng TP.HCM là địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng và hấp dẫn. Với kiến trúc hoài cổ, những hoạt động văn hóa đậm bản sắc, đặc biệt là yếu tố tâm linh đã khiến ngôi chùa thu hút đông đảo du khách. Nếu có dịp ghé thăm thành phố mang tên Bác, bạn hãy ghé thăm chùa Ngọc Hoàng để trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp thiêng liêng của ngôi chùa này nhé!